Cuộc quyết chiến chiến lược Xuân 1975

Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền thực hiện chủ trương tập trung sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

LTS – Ngày 20-4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức cuộc Hội thảo khoa học “Ðại thắng mùa Xuân 1975 – Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh”.

Báo Quân đội nhân dân xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cơ bản bài tham luận tại hội thảo của Ðại tướng LÊ ÐỨC ANH, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền, nguyên Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Xe tăng Quân giải phóng chiếm giữ Dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu

ĐẠI đoàn kết biểu hiện sức mạnh tổng hợp to lớn của dân tộc và thời đại, bảo đảm vững chắc cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ðại đoàn kết là một nhân tố rất quan trọng quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam. Trong đấu tranh giải phóng miền Nam, nhân tố đó càng được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Ðảng quan tâm lãnh đạo, thực hiện với nhiều quyết định chiến lược, làm cơ sở cho Trung ương Cục miền Nam và Bộ chỉ huy Miền đưa ra những chủ trương và biện pháp chỉ đạo cụ thể, nhằm tăng cường xây dựng, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giành độc lập trọn vẹn và thống nhất đất nước.

Ngay từ đầu sự nghiệp giải phóng miền Nam, tháng 9-1954, Bộ Chính trị đã chủ trương đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng dân chủ và hòa bình, đấu tranh đánh đổ chính phủ Ngô Ðình Diệm thân Mỹ, thành lập Chính phủ không thân Mỹ tán thành đình chiến và hòa bình, thừa nhận quyền tự do, dân chủ của nhân dân, tán thành thống nhất, tổng tuyển cử, cải thiện dân sinh.

Năm năm sau, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng xác định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn Ngô Ðình Diệm tay sai đế quốc Mỹ, thành lập chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ…

NGHỊ quyết 15 thật sự là một nghị quyết về “chuyển chiến lược” từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ địch. Sau khi có Nghị quyết 15, ở miền Nam bắt đầu nổ ra các trận đánh lớn, trong đó có trận đánh Tua Hai đêm 26-1-1960. Các cuộc nổi dậy phá ấp chiến lược, tiến tới “Ðồng khởi” của Bến Tre, rồi phong trào nhanh chóng phát triển khắp miền Nam. Thắng lợi của phong trào Ðồng khởi đã dẫn tới sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (20-12-1960) – một mặt trận tập hợp đông đảo lực lượng yêu nước nhằm một mục tiêu chung vì miền Nam sạch bóng quân xâm lược, tiến tới hòa bình, hòa hợp dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra lời kêu gọi “tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại. Hãy siết chặt hàng ngũ để chiến đấu…”.

Thực chất, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã thực hiện thêm chức năng của chính quyền (sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời), ngoài chức năng đoàn kết dân tộc để giải phóng miền Nam. Với cương lĩnh đúng đắn, chương trình hành động thiết thực, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam nhanh chóng tập hợp các tổ chức chính trị, xã hội, đảng phái, tôn giáo như: Hội Lao động giải phóng, Hội Liên hiệp sinh viên – học sinh, Hội Các nhà giáo yêu nước, Hội Phụ nữ giải phóng, Hội Những người công giáo kính chúa yêu nước, Hội Lục hòa Phật tử miền Nam, Ðảng Xã hội cấp tiến của trí thức yêu nước, Ðảng Dân chủ miền Nam của tư sản dân tộc… Ðể mở rộng hơn nữa khối đoàn kết dân tộc, mặt trận chủ trương thành lập chính quyền liên minh dân tộc, dân chủ, tự do, cải thiện dân sinh, giữ vững hòa bình, thi hành chính sách trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Khi đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, với đường lối chiến tranh nhân dân và bằng các phương pháp đấu tranh của Ðảng và chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, quân và dân ta đã giành nhiều thắng lợi trong đấu tranh chính trị và quân sự, làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt”.

Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” đứng trước nguy cơ bị thất bại, đế quốc Mỹ phải toan tính đưa quân Mỹ và đồng minh vào miền Nam Việt Nam trực tiếp tham chiến hòng giành thắng lợi quyết định, buộc nhân dân Việt Nam phải khuất phục trước sức mạnh quân sự của chúng. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt (27-3-1964) với hơn 300 đại biểu, đại diện cho hơn 30 triệu đồng bào các dân tộc trong cả nước. Hội nghị biểu thị ý chí, quyết tâm của các tầng lớp nhân dân đoàn kết chung quanh Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chiến đấu bảo vệ miền Bắc, đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Lúc này, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam công bố Cương lĩnh, mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ tất cả những lực lượng có thể tranh thủ, thu hút rộng rãi hơn nữa những tầng lớp và cá nhân có khuynh hướng hòa bình, trung lập, cô lập triệt để Mỹ – ngụy.

Khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đồng thời phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân chống phá miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi quân và dân cả nước (17-7-1966) đoàn kết một lòng, vượt qua gian khổ, ác liệt, hy sinh chiến đấu vì chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân miền Bắc – Hậu phương chiến lược của miền Nam dấy lên các phong trào thi đua “Vì miền Nam ruột thịt” nhằm mục tiêu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Các phong trào thi đua đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp, mọi thành phần, mọi lứa tuổi từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn, từ biên giới đến hải đảo. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, với đường lối chiến tranh nhân dân, quân và dân cả nước đã đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 – 1966 và 1966 – 1967 của chúng ở miền Nam, đồng thời đánh bại một bước chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ trên miền Bắc.

CUỐI năm 1967, một mặt, đế quốc Mỹ tiếp tục tăng quân và phương tiện chiến tranh chuẩn bị kế hoạch mở cuộc phản công lần thứ ba với số quân 120 vạn, trong đó có 50 vạn quân chiến đấu Mỹ. Mặt khác, chúng bắt đầu lộ rõ sự dao động lúng túng. Giữa lúc Mỹ đang ở thế ngập ngừng về chiến lược, giới cầm quyền Mỹ có dấu hiệu dao động và đúng thời điểm rất nhạy cảm của năm bầu cử tổng thống Mỹ, lãnh đạo Ðảng ta đã quyết định giáng một đòn bất ngờ, thật mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ, bằng cách chọn hướng chiến lược hiểm và dùng cách đánh mới tạo ra bước ngoặt lớn, làm thay đổi cục diện chiến tranh. Quân và dân miền Nam đã nhằm đúng vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, đồng loạt tiến công trên toàn miền, đánh vào hầu hết các đô thị, các bộ tư lệnh quân đoàn và sư đoàn địch, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần của chúng…

Ðòn tiến công Mậu Thân đã gây kinh hoàng cho cả nước Mỹ. Khắp các bang của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ rộ lên những cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng nghìn, hàng vạn người chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tướng Oét-mo-len, Tổng chỉ huy quân Mỹ ở Nam Việt Nam bị cách chức. Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Na-ma-ra thôi việc. Ngày 31-3-1968, Giôn-xơn buộc phải tuyên bố: Ngừng ném bom Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị đàm phán với ta tại Pa-ri và tuyên bố không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai.

Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân đã đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải rút quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng rút quân, thì đồng thời Mỹ lại thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Cả Mỹ và ngụy tập trung bình định, giành đất, giành dân, bắt lính xây dựng ngụy quân, ngụy quyền. Trong quá trình rút quân, Mỹ vừa củng cố và tăng cường ngụy quân, ngụy quyền, tập trung lực lượng tấn công quyết liệt giành đất, giành dân và đánh phá miền Bắc ác liệt hơn, kể cả máy bay ném bom chiến lược B.52. Nhưng lúc đó, bộ đội ta, kể cả lãnh đạo, chỉ huy chưa hiểu hết cái khó khăn, khốc liệt của “Việt Nam hóa chiến tranh” và chưa thấy hết sự độc ác của Mỹ, nên từ cuối năm 1968 đến cuối năm 1971, bộ đội chủ lực ta phần lớn đã thoát ly khỏi địa bàn, làm mất chỗ dựa cho dân và cơ sở chống bình định. Do đó gây khó khăn lớn trên chiến trường và không hỗ trợ được thật hiệu quả cho cuộc đấu tranh ngoại giao trên bàn Hội nghị Pa-ri trong thời gian này.

Với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, Mỹ, ngụy đã đánh ác liệt vào vùng đông dân và vùng ta mới giải phóng trong những năm 1969 – 1972. Ðặc biệt trong 81 ngày đêm năm 1972, Mỹ đã ném 80 vạn tấn bom (khối lượng chất nổ bằng sức tàn phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki (Nhật Bản) xuống diện tích 3 km2 Thành cổ Quảng Trị. Trong 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị, có hơn 14 nghìn chiến sĩ giải phóng đã hy sinh. Quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch, giữ được thị xã và Thành cổ trong 81 ngày đêm, góp phần phục vụ đắc lực yêu cầu đấu tranh ngoại giao và đã đạt được yêu cầu của đợt tác chiến tạo thế, tổ chức phòng ngự.

Với đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, quân và dân ta đã anh dũng vượt qua mọi thử thách, hy sinh tiến công mãnh liệt đập vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài kiên cố của địch ở Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, Ðông Nam Bộ, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 của Mỹ trên vùng trời Hà Nội, Hải Phòng (tháng 12-1972), buộc đối phương phải ký kết Hiệp định Pa-ri (tháng 1-1973), rút hết quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được ký kết, nhưng chính quyền Ních-xơn vẫn chưa từ bỏ chính sách áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, âm mưu chia cắt lâu dài nước ta. Tranh thủ thời gian trước khi ký hiệp định, Mỹ gấp rút chuyển cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thiết bị, các vật dụng chiến tranh và dần chuyển giao các căn cứ quân sự ước tính nhiều tỷ USD. Với sự giúp đỡ của Mỹ, ngụy quyền có đội quân hơn 1 triệu tên, 2.000 máy bay (xếp hạng thứ tư về lực lượng không quân trên thế giới)(1) và khối lượng lớn xe tăng, pháo; bộ máy đàn áp gồm 140.000 cảnh sát, 44.000 nhân viên “bình định”… ráo riết thực hiện khẩu hiệu “Tràn ngập lãnh thổ” xóa “thế da báo” lấn chiếm vùng giải phóng. Với tinh thần anh dũng chiến đấu, quân và dân Quân khu 9 đã đánh bại nhiều trung đoàn, tiểu đoàn địch tràn ngập lãnh thổ, đánh bại âm mưu phá Hiệp định Pa-ri của địch, củng cố niềm tin và củng cố được khối đại đoàn kết toàn dân, là một căn cứ để Trung ương Ðảng ra Nghị quyết 21 (7-1973) chỉ đạo các địa phương ở miền Nam tiếp tục con đường cách mạng bạo lực, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.

SAU hơn một năm ta đẩy mạnh đấu tranh vũ trang hỗ trợ trực tiếp cho đấu tranh chính trị và binh vận, bắt quân địch phải thi hành Hiệp định và chặn đứng một cách cơ bản kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” của chúng, thế và lực của ta đã được củng cố và phát triển một bước mới. Từ thế và lực mới này, chúng ta đã vạch ra kế hoạch tiến công mùa khô 1974 – 1975, tiến tới tổng tiến công và nổi dậy.

Khi Trung ương Cục và Bộ chỉ huy B2 chúng tôi có kế hoạch quân sự mùa khô rồi, thì hai anh Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục và Trần Văn Trà, Tư lệnh B2 ra họp Trung ương. Trong khi ngoài Bắc, Trung ương đang họp thì trong Nam, Quân ta giải phóng Phước Long và núi Bà Ðen. Chiến thắng Ðồng Xoài – Ðường 14 – Phước Long có ý nghĩa là “trận trinh sát chiến lược” thăm dò khả năng quân ngụy và sự can thiệp của Mỹ, làm rõ hơn những cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam.

Sau khi đánh được Phước Long, Bộ chỉ huy Miền chúng tôi làm kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn. Cả Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền gần như thống nhất là sẽ tiến công giải phóng Sài Gòn vào tháng 4 vì sang tháng 5 đã vào đầu mùa mưa, việc cơ động của ta sẽ khó khăn. Cùng với việc soạn thảo kế hoạch là xây dựng “quyết tâm chiến đấu”, sơ đồ đã phác ra năm hướng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của quân thù. Khi hai anh Lê Ðức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị và Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng được Bộ Chính trị cử vào, các anh xem và nói: “Kế hoạch làm tốt, nhưng phải thêm quân”. Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền đã vạch rõ sách lược đoàn kết rộng rãi quần chúng nhân dân, huy động mọi tầng lớp, mọi lực lượng, mọi lứa tuổi trên cả ba vùng chiến lược thực hiện tốt ba mũi giáp công trong cuộc quyết chiến chiến lược Xuân 1975. Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền quyết định nhiều chủ trương và biện pháp tăng cường vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và đồng bào Khơ-me, các tín đồ Phật giáo, Cao Ðài, Hòa Hảo và nhiều tôn giáo khác cùng tham gia vào trận quyết chiến chiến lược này. Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền còn vận dụng nhiều sách lược khai thác mâu thuẫn trong hàng ngũ địch, chỉ đạo sát sao cơ sở cách mạng của ta lôi kéo các phe phái đối lập với chính phủ tay sai Mỹ và tập hợp lực lượng thứ ba chuẩn bị đón thời cơ, thành lập chính phủ liên hợp.

THỰC hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về kết hợp đòn tiến công quân sự với phong trào nổi dậy của quần chúng, Trung ương Cục phân công anh Nguyễn Văn Linh, Phó bí thư Trung ương Cục và anh Võ Văn Kiệt, Ủy viên Trung ương Cục lo vấn đề tổ chức và chỉ đạo kế hoạch nổi dậy của quần chúng phối hợp với lực lượng quân sự, trong đó có các binh đoàn chủ lực ta vào thành phố; phân công đồng chí Cao Ðăng Chiếm, Giám đốc Công an B2 tổ chức mạng liên lạc của các đồng chí trong Chính phủ Cách mạng lâm thời với cơ sở trong nội thành. Trung ương Cục chỉ đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tự giải phóng với phương châm: Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh.

Hướng ra tiền tuyến lớn, miền Bắc dốc toàn bộ sức mạnh to lớn của mình cho miền Nam. Miền Bắc đã chi viện liên tục, toàn diện cả sức người, sức của với nhịp độ ngày càng tăng, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của chiến trường miền Nam. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 1975, miền Bắc đã đưa nhanh vào miền Nam 110 nghìn cán bộ, chiến sĩ, 230 tấn vật chất các loại, góp phần quyết định để quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi hoàn toàn.

SÁNG 10-3-1975, ta đánh Buôn Ma Thuột mở đầu Chiến dịch Tây Nguyên, cũng là mở cửa đột phá của cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975. Ðại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Tây Nguyên. Trước khi đánh Buôn Ma Thuột, từ ngày 4 đến 10-3, ta bắt đầu đánh một số cứ điểm ở tây Plei-cu, cắt đường 14 giữa hai tỉnh Kon Tum, Gia Lai. Ngày 4-3, cắt đường 19, đường 21. Ngày 9-3, ta đánh Ðức Lập, nam Buôn Ma Thuột. Ngày 14-3, Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút bỏ Tây Nguyên, co về giữ đồng bằng. Ý định của địch tháo chạy theo các đường 21, 19, 14 nhưng bị ta chiếm giữ, buộc chúng phải rút theo đường số 7 đi Cheo Reo. 19 giờ, ngày 16-3, Ðại tướng Văn Tiến Dũng điện cho Bộ tư lệnh chiến dịch: “Ðịch rút chạy trên đường số 7, tổ chức truy kích ngay”. Ðồng thời, điện cho Bộ tư lệnh Khu 5 cho lực lượng vũ trang Phú Yên kịp thời tổ chức chặn địch ở Củng Sơn. Cuộc rút lui của địch trên đường số 7 bị ta đánh tan tác, khối chủ lực mạnh của địch ở Tây Nguyên cơ bản bị bắt sống và tan rã. Ngày 16-3, lực lượng địa phương giải phóng Kon Tum; ngày 19-3, giải phóng Plei-cu. Ðến ngày 24-3, quân ta đã giải phóng Tây Nguyên, sau đó, lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị của Khu 5 tiếp tục giải phóng các tỉnh.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột và cả Tây Nguyên tạo ra bước phát triển nhảy vọt cả về thời cơ và thế chiến lược mới. Ngày 25-3, lực lượng quần chúng ở cả ba vùng chiến lược đã trong tư thế sẵn sàng phối hợp với bộ đội chủ lực thực hiện 3 mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận và địch vận).

Phối hợp với hướng tiến công chiến lược của ta ở hướng chủ yếu Tây Nguyên, quân và dân Khu Trị Thiên và Khu 5 đã đồng loạt tiến công giải phóng Quảng Ngãi, Tam Kỳ (ngày 24-3), giải phóng thành phố Huế (trưa 25-3) và giải phóng toàn bộ tỉnh Thừa Thiên – Huế (trưa 26-3). Sau đó bằng một đòn tiến công và nổi dậy mạnh mẽ của quân và dân Khu 5 (cụ thể là Sư đoàn 2 cùng lực lượng vũ trang và chính trị của Ðà Nẵng) đã nhanh chóng đập tan toàn bộ Quân đoàn 1, Quân khu I địch ở Ðà Nẵng. 12 giờ trưa ngày 29-3, các sư đoàn, các cơ quan quan trọng, cứ điểm lớn của địch cơ bản đã sụp đổ. Quân đoàn II của Bộ từ Huế vào giải phóng Nam Ô, cách Ðà Nẵng 15km, tiến đánh bán đảo Sơn Trà. Ðến 3 giờ chiều 29-3, ta hoàn toàn giải phóng Ðà Nẵng.

Sau khi giải phóng Tây Nguyên, Huế, Quảng Nam, Bình Ðịnh, Quảng Ngãi, thì lực lượng Khu 7, Khu Sài Gòn – Gia Ðịnh, Khu 8, Khu 9 đã bám sát trong và ngoài đô thị với tư thế sẵn sàng phối hợp với quân chủ lực thực hiện ba mũi giáp công, giải phóng toàn miền Nam.

NGÀY 1-4-1975, Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền nhận được Ðiện của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương truyền đạt nội dung Nghị quyết Bộ Chính trị họp ngày 31-3-1975 và chỉ thị: “… Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ “một ngày bằng 20 năm”. Do vậy Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp… Cần nắm vững nội dung chiến lược của ta là phát huy sức mạnh của ba đòn chiến lược, kết hợp với tiến công và nổi dậy, từ ngoài đánh vào và từ trong đánh ra… Cần gấp rút tăng thêm lực lượng ở hướng Tây Sài Gòn, nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ chia cắt và bao vây chiến lược từ phía Tây, áp sát Sài Gòn, triệt đường số 4… Tập trung lực lượng lớn hơn nữa vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, từng lúc”. Liền sau đó, đồng chí Phạm Hùng phân công từng đồng chí trong Trung ương Cục thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, xong, sang Sở chỉ huy Miền chỉ đạo bổ sung kế hoạch theo chỉ thị của đồng chí Lê Duẩn và chỉ rõ: Phải huy động lực lượng cắt quốc lộ số 4 không cho địch rút chạy từ Sài Gòn về Cần Thơ. Lúc này, Trung ương Cục nhận được điện của Ðại tướng Văn Tiến Dũng: Quân đoàn 3 từ Tây Nguyên sẽ vượt các cụm địch còn lại trên đường đi vào B2 ngay. Và nhận được điện của đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy Khu 5 là, sẽ chuyển xe, pháo, đạn dược thu được của địch vào B2 và nhấn mạnh: Thời gian là sức mạnh.

Đội nữ pháo binh tỉnh Cà Mau trong những ngày trước giải phóng (tháng 4-1975). Ảnh: Võ An Khánh

Ngày 9-4-1975, ta bắt đầu cuộc chiến đấu tạo thế ở đông bắc – tây nam Sài Gòn và đánh địch ở toàn miền Ðông Nam Bộ, đồng thời huy động lực lượng lớn, gồm 4 quân đoàn và một đơn vị tương đương quân đoàn, với năm cánh quân theo năm hướng đã vào thế bao vây Sài Gòn, đợi lệnh đồng loạt tấn công. Lực lượng vũ trang và phong trào nổi dậy của quần chúng ở ven đô và nội đô đã chuẩn bị sẵn sàng chờ dịp vùng lên.

Ngày 26-4-1975, ta bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tiến công giải phóng Sài Gòn – Gia Ðịnh. Ngày 29-4, Hô-mơ-si-mít, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Mỹ, núp dưới bóng Ðại sứ quán, lên máy bay bay ra biển. 11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, Tổng thống ngụy phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Lúc này, lực lượng quân sự, chính trị của Khu 8, Khu 9 bằng ba mũi giáp công giải phóng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần cùng cả nước chấm dứt cuộc chiến tranh giải phóng kéo dài 30 năm.

CUỘC Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 toàn thắng, biểu hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, trong đó, “quả đấm chủ lực” với những binh đoàn cơ động là lực lượng nòng cốt của đấu tranh quân sự với những đòn điểm huyệt đã đánh trúng, đánh hiểm ở những trận then chốt và then chốt quyết định. Nhưng để giải quyết đồng loạt, rộng khắp, kịp thời làm cho cả bộ máy ngụy quyền và đội ngũ ngụy quân 1,1 triệu tan rã thì phải thấy rõ vai trò tiến công và nổi dậy của lực lượng tại chỗ, của lực lượng chính trị quần chúng, trong đó có lực lượng của những người bị bắt buộc trong hàng ngũ của địch, cơ sở cách mạng trong hàng ngũ địch. “Quả đấm chủ lực” tạo điều kiện cho lực lượng quân sự, chính trị bên trong và ngược lại, lực lượng bên trong đã tạo điều kiện cho các mũi tiến công của chủ lực cơ động. Phải thấy vai trò lãnh đạo nhạy bén, kịp thời của Trung ương Cục và sự thống nhất của Khu ủy, Tỉnh ủy và Ðảng ủy các cấp cơ sở trong những ngày Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Quân và dân tất cả các quân khu đã ở tư thế sẵn sàng, chuẩn bị đầy đủ nên đã chủ động tiến công và nổi dậy thực hiện giải phóng hoàn toàn địa bàn của quân khu.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh của quần chúng đã phát triển thành ba lực lượng: Lực lượng vũ trang cách mạng; Lực lượng chính trị quần chúng; lực lượng quần chúng bị bắt buộc trong hàng ngũ địch và cơ sở cách mạng của ta trong hàng ngũ địch. Cả ba lực lượng này phối hợp nhuần nhuyễn với nhau, chuyển hóa vào từng con người một. Nhưng chỉ có sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt và thấm đẫm tính nhân văn của Ðảng, khi thời cơ cách mạng đến thì cả ba lực lượng này mới bộc lộ, phát huy sức mạnh của đoàn kết, cộng hưởng, tạo nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy thần tốc và hiệu quả, đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương Cục là “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”. Tinh thần “Thần tốc, táo bạo” không chỉ đối với các binh đoàn chủ lực từ xa đến, mà còn đối với các lực lượng tại chỗ – lực lượng chính trị, lực lượng binh vận, kể cả lực lượng nằm trong hàng ngũ địch đã nhanh nhất, táo bạo nhất, phối hợp với lực lượng chủ lực cơ động từ xa. Giờ chúng ta hiểu hai chữ “Thần tốc” mà Bộ Chính trị chỉ đạo như thế mới đầy đủ.

TRONG chiến tranh chống Mỹ, có hai đặc điểm nổi rõ: Một là ta tạo được thế xen kẽ giữa ta và địch ở cả ba vùng chiến lược: Miền núi, đồng bằng và đô thị, nhất là sau Hiệp định Pa-ri, làm cho đối phương không thực hiện được phân tuyến. Hai là ta đã làm thường xuyên việc xây dựng lực lượng và cơ sở cách mạng của ta ở nhiều mức độ khác nhau trong nội bộ ngụy quân, ngụy quyền, mà những cơ sở này liên tục tác động vào tình cảm người lính nên họ đào ngũ thường xuyên và khi có thời cơ đến thì rã ngũ hàng loạt. Các cơ sở này làm suy sụp tư tưởng của bọn ngoan cố. Ðây thật sự là bài học quý.

Ðể phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, Ðảng ta đặc biệt coi trọng tăng cường quan hệ đoàn kết với các đảng lãnh đạo ở các nước XHCN và các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ. Trong những năm đầu của thập niên 1970, Liên Xô, Trung Quốc mâu thuẫn gay gắt, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cảnh giác đối với âm mưu chia rẽ của địch, xử lý khôn khéo, “có tình, có lý” mối liên hệ giữa ta với Liên Xô, Trung Quốc nên cả hai nước đều giúp ta đánh Mỹ, nhưng giúp với những quan niệm khác nhau và mức độ khác nhau. Song ta đã hiệp lực được cả hai phía đoàn kết giúp đỡ ta để ta đủ sức đánh Mỹ. Trong 20 năm, Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em đã viện trợ cho Việt Nam tổng khối lượng hàng hóa là 2.362.581 tấn, tương đương 7 tỷ rúp (2). Chưa kể Trung Quốc còn giúp tiền được chuyển qua hệ thống ngân hàng ở Hồng Công về Sài Gòn, từ đó ta rút ra mua gạo, thực phẩm cung cấp cho bộ đội ở miền Ðông Nam Bộ và ở mặt trận Tây Nguyên. Ðây là thắng lợi về ngoại giao có ý nghĩa chiến lược. Thắng lợi này bắt nguồn từ tư tưởng Hồ Chí Minh gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Ðúng như Ðảng ta đã khẳng định: “Sức mạnh dân tộc đã kết hợp chặt chẽ với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh to lớn chiến thắng quân thù”.

…SAU khi có Hiệp định Pa-ri, đến cuối năm 1974 và nhất là sau khi ta giải phóng Ðà Nẵng, thì ở trong nước và quốc tế đều thống nhất “Ðánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”. Ðây là thời điểm vàng ngọc, nó thật sự đã tạo ra sức mạnh tổng hợp – sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế hội tụ lại.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc hoàn thành độc lập, thống nhất đất nước là sự nghiệp chính nghĩa, bắt nguồn từ truyền thống văn hóa của dân tộc “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc là động lực cơ bản, tập hợp lực lượng rộng lớn – toàn thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tạo nên khối đoàn kết thống nhất toàn dân đứng lên cứu nước, cứu nhà. Ðường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ của Ðảng đáp ứng quyền lợi cơ bản của nhân dân, cùng nhiều hình thức tổ chức phù hợp đã phát huy sức mạnh của toàn dân kháng chiến và kiến quốc, không ngừng củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dẫn đến “đại thành công” trong cuộc quyết chiến chiến lược Xuân 1975…

Kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết trong Ðại thắng mùa Xuân 1975, chúng ta cần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc hơn nữa. Ðể tăng cường khối đại đoàn kết trong giai đoạn cách mạng hiện nay, ngoài những chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, cán bộ, đảng viên phải gắn bó máu thịt với nhân dân và phải gương mẫu trong đoàn kết cả tư tưởng và hành động, đặc biệt là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Ðảng mang bản chất giai cấp công nhân: Ðoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, kiên định con đường cách mạng, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

ÐẠI thắng mùa Xuân 1975, được tạo nên bởi ý chí, nghị lực, trí tuệ của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; của sự giúp đỡ của các nước anh em và bạn bè quốc tế dành cho dân tộc ta trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Ðại thắng mùa Xuân 1975 đã chứng minh hùng hồn “đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, chiến thắng trọn vẹn” – một trong những sự tích vĩ đại nhất của nhân loại tiến bộ ở thế kỷ 20. Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, thắng lợi là thắng lợi của toàn dân tộc, đã là người Việt Nam thì ai cũng được hưởng vinh quang của chiến thắng. Phát huy thắng lợi vẻ vang đó, người Việt Nam cả ở trong nước và nước ngoài, đoàn kết thương yêu nhau, cùng chung tay góp sức phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện mục tiêu cao cả, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

——————————–

(1) Giô-dép A.Am-tơ, Lời phán quyết về Việt Nam, Nxb QÐND, H.1985, trang 419.
(2) Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975; Thắng lợi và bài học. Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, trang 601.

Đã đóng bình luận.