Đoàn tụ

Má ôm chầm lấy tôi nhưng không khóc, hình như má đau khổ quá nhiều rồi, chịu đựng quá nhiều rồi, không còn hơi sức đâu mà khóc nữa…

Khoảng giữa tháng 4-1975, Hoàng Đôn Bảnh, em trai tôi, được Bộ Chỉ huy Thành đội Sài Gòn – Gia Định biệt phái về phục vụ Ban Chỉ huy Trung đoàn Gia Định, chủ yếu là dẫn đường cho trung đoàn tấn công vào Sài Gòn theo hướng cửa ngõ Hóc Môn.

Trở về nguyên vẹn

Hành quân được vài ngày, cuối cùng Trung đoàn Gia Định ém quân tại một cánh đồng bưng đầy cỏ lác thuộc xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cách Sài Gòn hơn 30 cây số đường chim bay.

Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, Trung đoàn Gia Định từ Long An đánh thọc sâu vào Bà Điểm – Hóc Môn. Bảnh kể: “Chiều tối 28-4, một đại đội tập kích bót cảnh sát Tân Thới Nhứt, súng nổ rần trời nhưng hình như bọn cảnh sát chỉ bắn trả lúc đầu. Tôi và anh em đào một công sự ngay trước sân nhà dân, bên mấy bụi chuối đề phòng địch phản công. Một lát sau, thấy hai anh bộ đội dìu về một thương binh mình đầy máu me mới biết phía trước có đánh nhau. Sáng 29-4-1975, tôi đến trước cổng bót cảnh sát Tân Thới Nhứt chỉ thấy một đống hoang tàn đổ nát. Toàn bộ bọn cảnh sát đã leo qua nhà dân bên cạnh trốn sạch”.

Trưa 30-4-1975, Trung đoàn Gia Định bố trí một quân xa chở tổ quân báo của Hoàng Đôn Bảnh vào thẳng Sài Gòn trú quân tại Bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất).

Hôm sau, khi gặp mặt, hai anh em chúng tôi đã ôm chầm lấy nhau, vừa cười vừa khóc. Vậy là cả hai thằng con trai của má tôi đã toàn vẹn trở về trong ngày chiến thắng.

Đêm đầu tiên ở Sài Gòn

Chiều 30-4-1975, đồng chí Mai Chí Thọ gọi tôi lên, hỏi: “Cháu có biết Bộ Giáo dục không? Dẫn cho mấy anh ở bộ phận giáo dục Trung ương Cục R, đến tiếp quản”.

Tôi nói biết và theo các anh ở R đi đầu là anh Hồng Sơn, cũng quen từ trong chiến khu, lên chiếc xe GMC trực chỉ trung tâm Sài Gòn, tôi đứng ở đầu xe chỉ đường.

Đến ngã tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi, thấy cảnh hỗn loạn do nhiều người tranh thủ “hôi của” các ngôi nhà vắng chủ, nhất là Thư viện Abraham Lincol (nay là khách sạn Rex). Mấy anh bộ đội đang lập lại trật tự.

Tới Bộ Giáo dục (nay là Sở GD-ĐT TPHCM), xe dừng lại. Chúng tôi xuống xe, anh gác cổng chạy ra mở rộng cả hai cánh cổng và nói với cả đoàn: “Mời quý ông vào, ngày mai các ông lớn sẽ đến trình diện các ông”. Thiệt tình, điều mà những người được gọi “quý ông ” này quan tâm là đến giờ đó chưa được ăn uống gì, chợ búa vắng tanh.

Làm xong nhiệm vụ dẫn đường, tôi trở về Trường Pétrus Ký lấy gạo rang ăn với sữa đặc vì không có cách gì nấu nướng khi ở trong khuôn viên trường học này.

Sau đó, tôi theo anh Lê Công Giàu, anh Bảy Thoại thuộc cánh sinh viên lên xe Jeep đến gặp anh em sinh viên ở Đại học Vạn Hạnh; trong đó có anh Nguyễn Hữu Thái – nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn.

Má ơi, con về rồi!

Sáng hôm sau, tôi mượn xe đạp, lận cây súng ngắn trong lưng, đạp xe về nhà. Như thói quen cảnh giác bao năm, tôi không đi hẻm chính đường Nguyễn Văn Học (nay là Nơ Trang Long) mà đi hẻm phía đường Hoàng Hoa Thám. Tôi dừng ở một tiệm tạp hóa trong hẻm, mua một đôi dép Nhật thay cho đôi dép râu, đôi dép râu tôi để úp lại trong giỏ xe phía trước tay lái.

Đến nhà, tôi đứng tần ngần hồi lâu trước cửa nhà, đầu óc như nửa tỉnh nửa mơ vì 7 năm rồi tôi mới trở lại ngôi nhà thân yêu của mình. Tôi kêu: “Má ơi! Con về rồi nè”. Má tôi chạy ra la thất thanh: “Thằng Mãnh nó về! Thằng Mãnh nó về!”. Mãnh là tên thường dùng của tôi ở nhà.

Như chưa hết bàng hoàng, má tôi kêu lên: “Chị Xuân ơi! Thằng Mãnh nó về rồi!”. Bác Xuân là hàng xóm sát nhà tôi, nghe kêu cũng bắc ghế nhô đầu qua bức tường nhìn sang.

Má ôm chầm lấy tôi nhưng không khóc, hình như  má đau khổ quá nhiều rồi, chịu đựng quá nhiều rồi, không còn hơi sức đâu mà khóc nữa. Má hỏi liền: “Còn thằng em mày đâu?”. Tôi nói: “Con không biết vì mỗi đứa một cánh quân”.

Ngay hôm sau, má tôi cơm đùm, cơm gói tìm đến nơi em tôi đóng quân ở Bệnh viện Vì Dân. Rồi những người thân thuộc của đại gia đình tôi cũng lần lượt trở về…

Tự do

Má tôi kể, ngày 10-4-1975, đang lúc nửa đêm, bọn cảnh sát Sài Gòn ập vào nhà tôi. Chúng hô hoán: “Rõ ràng thấy nó vào đây”, rồi lục soát khắp nhà. 

Số là trước đó, đồng chí Tám Cần, tức Tạ Bá Tòng, phụ trách Ban Trí vận Mặt trận thuộc Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, bất ngờ xuất hiện tại nhà tôi. Chú bị địch truy lùng và bắt hụt nên chạy đại vào nhà má tôi dù biết nơi đây không phải là nơi an toàn. 

Chị Trần Kim Thảo, con người cậu ruột của tôi lúc ấy đang ở Hà Nội, đưa chú vào căn hầm bí mật dưới gầm bếp nấu ăn, có nắp bê-tông đậy lại và được che bằng đống củi. Bọn cảnh sát lục soát khắp nơi nhưng không tìm thấy gì, chúng bắt chị Kim Thảo. 

Sáng hôm sau, đồng chí Tám Cần chui qua căn hộ kề bên bằng ngõ trần nhà, trốn thoát. Chúng giam chị Thảo tại phòng biệt giam Tổng Nha Cảnh sát Sài Gòn để điều tra.

Đến xế chiều 30-4-1975, một anh bộ đội mang khẩu B.40 bất ngờ xộc vào dãy phòng biệt giam. Chị tôi liền kêu cứu. Anh lui ra kêu thêm đồng đội tìm cách mở khóa cho các phòng biệt giam. Chị Thảo kể: “Chị ra được khỏi phòng rồi thì anh bộ đội bảo chị quay vô phòng gom đồ đạc, chị không dám bước vô nữa, cứ như thế mà tuôn chạy ra cửa tìm xe thoát nhanh về nhà…”.

Hoàng Đôn Nhật Tân

Đã đóng bình luận.