Giải phóng Long Thành, Nhơn Trạch: tiến công nổi dậy mở cửa hướng Đông – Nam Sài Gòn

Sau khi mất Xuân Lộc, bọn ngụy quân, ngụy quyền ở Long Thành càng thêm hoảng loạn. Chiều ngày 20-4-1975, đồng chí Lê Trọng Tấn – Tư lệnh Mặt trận phía Đông đã nhận được bức điện khẩn của Đại tướng Văn Tiến Dũng Chỉ thị: “Ngày 28, 29 phải chiếm bằng được Long Thành, Nhơn Trạch, vị trí phía Đông Nam Sài Gòn để đặt pháo 130 ly bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất và các mục tiêu quân sự”.

Bia lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy Biên Hoà tại Suối Cả, Bình Sơn, Long Thành.

Ngày 23-4-1975 các lực lượng vũ trang huyện Long Thành – Nhơn Trạch đã được phân công: Theo quốc lộ 15 (nay là quốc lộ 51) trung đoàn 116 về đóng ở Tam An, nhiệm vụ hỗ trợ cho địa phương giải phóng xã, rồi tiến đánh chiếm giữ cầu xa lộ Biên Hòa; đại đội 27 cùng với một bộ phận của trung đoàn 4 kết hợp du kích địa phương giải phóng Long An, Long Phước, Phước Thái; đại đội 2 biệt động cùng đại đội huyện hỗ trợ cho các xã Lộc An, Siph, Phước Nguyên; đại đội 207 giải quyết vùng Bình Sơn.

Theo sự chỉ đạo của tỉnh: Cơ quan Huyện ủy Long Thành chuyển về Bình Lâm (thuộc xã Lộc An). Cơ quan Huyện ủy Nhơn Trạch vẫn đóng ở Xóm Hố, Phú Hội.

Đến ngày 26-4, từ hướng Xuân Lộc, trong rừng Cẩm Đường, bộ binh cùng xe tăng của quân đoàn 2 đã về chờ lệnh tiến công. Quân đoàn 2 xuất phát từ Bình Sơn. Sư đoàn 304 theo đường 15B tiến về khu quân sự căn cứ Nước Trong tấn công địch ở 3 khu vực: trường thiết giáp, trường sĩ quan lục quân, trường cảnh sát quốc gia quân khu III. Cùng lúc đó, sư đoàn 325 theo liên lộ 25 qua Lộc An tiến vào quận lỵ Long Thành. Theo hướng Nhơn Trạch, trung đoàn 101, trung đoàn 95 tiến vào lộ 17 tấn công chi khu Nhơn Trạch.

Lúc 21h Huyện ủy Long Thành nhận bức điện khẩn: “Thành lập Ủy ban quân quản để tiếp quản, xã tự giải phóng”. Đến 22h cùng ngày quân địch ở quận lỵ Long Thành đã mất những đồn bốt bảo vệ xung quanh như: cầu Quản Thủ, ngã ba Cầu Xéo, Liên Kim Sơn, Chốt Bầu Đen, chốt Bàu Cá. Theo quốc lộ 15 về hướng bắc, khi pháo lệnh nổi, bộ đội huyện hỗ trợ, du kích các xã Phước Nguyên, An Lợi, Tam An, Long Đức đồng loạt nổ súng tấn công địch. Xã Phước Nguyên là xã đầu tiên được giải phóng tại huyện Long Thành. Cùng lúc đó, du kích xã Phước Thiền tấn công đồn Bến Cam, cơ sở hội đồng xã. Trên tỉnh lộ 19, các xã Phước Long, Phước Thọ, Phước An du kích cùng đồng bào nổi dậy phá đồn, giải phóng xã. Giặc bỏ chạy, súng đạn vứt bừa bãi dọc theo ven lộ.

Quân Giải phóng tấn công tổng kho Long Bình.

Cùng lúc đó Sư đoàn 304 liền chia quân ra làm hai: một cánh quân tràn qua cánh đồng Rạch Chiếc thuộc xã Phước Tân tiêu diệt đồn địch ở cầu rồi tiến sâu vào bao vây tấn công một khu của Tổng kho Long Bình. Cánh quân thứ hai tiếp tục tiến ra bao vây giặc ở ngã ba Thái Lan và giải phóng chi khu Long Thành. Các xã trong huyện đều đồng loạt giải phóng. Đến ngày 28-4 du kích xã Phước Thái kết hợp với lực lượng của Đại đội 27 bao vây phát loa kêu gọi cho địch biết: Quận lỵ Long Thành đã giải phóng, Thị trấn Bà Rịa bị vây hãm, con đường tốt nhất là mang súng ra hàng trở về với cách mạng sẽ được khoan hồng.

Vào lúc này chiến trường Nhơn Trạch vẫn còn căng thẳng. Chỉ còn một ngày nữa là hạn cuối cùng phải giải phóng Nhơn Trạch. Đồng chí Tư Thiện – Phó Chính ủy chỉ huy: quyết định dùng pháo dập, cho xe tăng tràn lên, bất cứ bằng giá nào cũng phải dứt điểm vào sáng 29-4. Đến 10h30 phút, ngày 29-4 xã Vĩnh Thanh, Đại Phước, Phú Hữu, Phước Khánh được giải phóng. Bốn xã cuối cùng của huyện Nhơn Trạch sạch bóng quân thù.

Bia tưởng niệm trận đánh 1972 tại Ngã ba Cầu Xéo

Không giờ ngày 29-4. Giờ “G” đã điểm! Tiếng pháo của quân đoàn 2 bắt đầu nổ, mặt đất như rung lên. Từ trên điểm cao, 5 cụm pháo của đồng loạt bắn về sân bay Tân Sơn Nhất và các mục tiêu quân sự, tạo ra những cầu vồng lửa khổng lồ với những tiếng nổ long trời, lở đất, báo hiệu giờ cáo chung của ngụy quyền Sài Gòn. Cùng lúc đó, hàng trăm ghe, thuyền của đồng bào Long Thành – Nhơn Trạch chở bộ đội ào ào qua sông Cát Lái, tiến về Sài Gòn.

Long Thành hoàn toàn giải phóng, cánh cửa hướng Đông – Nam Sài Gòn đã mở.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Cán bộ, chiến sĩ, đồng bào huyện Long Thành đã đóng góp nhiều xương máu, sức người, sức của góp phần quan trọng để 4 lần phá kho bom Thành Tuy Hạ, trận tiêu diệt cả tiểu đoàn địch trên lộ 25, chốt Vườn Điều, trận phá sân bay Bình Sơn và căn cứ quân sự Nước Trong, cảng Gò Dầu, san bằng hàng trăm đồn bốt địch, phá vỡ hàng ngàn ấp chiến lược, làm cho địch thất bại trong âm mưu giành dân, cướp đất. Bằng tinh thần dũng cảm, đầy mưu trí, quân dân Long Thành liên tục tấn công tiêu diệt địch. Cùng với bộ đội chủ lực ở trên, quân dân Long Thành đã tổ chức đánh 5.343 trận lớn nhỏ; tiêu diệt trên 5.600 tên địch, trong đó lính Mỹ 127 tên, lính Thái 356 tên, lính Úc 53 tên; đã loại khỏi vòng chiến đấu 584 tên địch, bắt sống 352 tên, bắn cháy 12 tàu máy bay, đốt phá 67 xe quân sự, trong đó có 19 xe tăng M113; đánh chìm 12 tàu và 43 ghe xuồng, phá 14 ngàn tấn bom đạn, thu 1.673 súng các loại và hàng tấn quân trang, quân dụng. Với những thành tích đó, Đảng bộ, quân và nhân dân huyện Long Thành được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và 8 xã trong huyện cũng được phong tặng danh hiệu anh hùng đó là: xã Tam An, Bình Sơn, An Hòa, Tam Phước, An Phước, Long An, Long Phước và Phước Thái.

Hoài Trang tổng hợp từ các nguồn tư liệu

Đã đóng bình luận.