Những bài học chiến tranh (Kỳ 6)

Chiến tranh ở Việt Nam đã lùi xa gần 35 năm, nhưng với những người lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam không thể nào quên được những gì mà họ đã gây ra cho đất nước và con người của mảnh đất hiền hòa, hiếu khách…

>> Những bài học chiến tranh (Kỳ 1)
>> Những bài học chiến tranh (Kỳ 2)
>> Những bài học chiến tranh (Kỳ 3)
>> Những bài học chiến tranh (Kỳ 4)
>> Những bài học chiến tranh (Kỳ 5)

Kỳ 6: Tìm kiếm sự tha thứ

Buổi sáng sau vụ thảm sát, chúng tôi được biết là trưởng làng đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối các chỉ huy quân đội Mỹ và yêu cầu binh lính của chúng tôi phải bị trừng phạt vì tội ác đó.

Tuy nhiên, chẳng có gì xảy ra sau đó cả. Đối với quân đội, những việc như thế này chỉ đơn thuần là sự thiệt hại đương nhiên.

Hậu quả của việc làm theo mệnh lệnh

Nhưng đối với tôi, đó là tất cả những trải nghiệm về chiến tranh. Tôi thấy may mắn vì bạn bè tôi không ai bị chết; nhưng cảm thấy thật khổ sở khi họ hết sức đau khổ về tội ác mà chúng tôi đã gây nên. Tôi cố suy luận rằng tôi chẳng liên quan tới cuộc thảm sát đó vì tôi chỉ nhìn từ phía trên đồi xuống, và có thể như vậy là không có tội. Tuy nhiên, tôi nhận thấy tôi cũng có trách nhiệm đối với tội ác đó, tôi cũng có trách nhiệm như những người đã trực tiếp bắn và ném lựu đạn. Tôi cũng có tội như những người khác, và tôi sẽ phải sống với lỗi lầm trong suốt quãng đời còn lại cho đến khi tôi có thể nhận thức một cách đầy đủ về nỗi đau mà tôi cảm thấy lúc đó.

Việc đốt nhà, đốt thùng chứa gạo và làng mạc của quân đội Mỹ một cách vô cớ đã làm John Merson và đồng đội thức tỉnh về mục đích của cuộc chiến tranh phi nghĩa do Mỹ, ngụy tạo ra. Ảnh: T.L.

Vụ thảm sát ở Đại Lộc là hậu quả của việc chỉ biết làm theo mệnh lệnh. Đó là một chuyện có thể đoán trước. Quy tắc chiến đấu của chúng tôi yêu cầu chúng tôi bắn bất cứ ai ra khỏi nhà vào ban đêm. Trên đường mòn, trên đường lớn, trên ruộng lúa, hay đơn giản chỉ là đi từ nhà này sang nhà khác trong làng – bất cứ ai ra khỏi nhà vào ban đêm đều bị xem là quân địch. Thế mới biết mạng sống của các nạn nhân bị xem nhẹ như thế nào? Bị xem nhẹ đến nỗi không cần phải điều tra xem thế nào. Nếu mạng sống của họ bị xem nhẹ như thế thì tôi có mặt trên mảnh đất này để làm gì? Nếu những mạng sống này không có ý nghĩa gì cả thì tôi đóng vai trò gì ở đây? Làm sao tôi hiểu được điều này? Mỗi ngày tuần tiễu và mỗi đêm phục kích trong những năm qua là từng bước nhỏ trên con đường tất yếu dẫn tới cuộc thảm sát này. Những hình ảnh về người bị thương, bị chết và các thây người chết nằm chất đống lên nhau đã vò nát suy nghĩ chúng tôi. Việc đốt nhà, đốt thùng chứa gạo và làng mạc đã dần dần đốt cháy suy nghĩ của chúng tôi về những người mà chúng tôi cần bảo vệ. Liệu tôi có thể làm gì để đền bù cho cuộc thảm sát này?

Nhằm tìm kiếm sự tha thứ, tôi quyết định sẽ cố gắng không tham gia vào việc giết người này thêm một lần nào nữa. Tôi bắt đầu thực hiện chương trình gìn giữ hòa bình của riêng tôi. Mỗi ngày tôi cùng một đội bốn người tình nguyện đi tuần tiễu về y tế. Chúng tôi đưa y tá của trung đội tới một ngôi làng gần đó để chữa bệnh cho người làng, phân phát thuốc men và thức ăn mà chúng tôi có thêm. Mỗi lần đi chúng tôi đều xin phép trưởng làng được quay về ngay trong đêm. Khi chúng tôi nhận được chỉ thị phải thiết lập một điểm phục kích ban đêm, tôi sẽ đưa đội của tôi trú luôn tại những ngôi nhà trong làng. Không ai trong đội chúng tôi nói với người khác về những gì chúng tôi đang làm. Theo như tôi biết, những gì chúng tôi làm là những việc hoàn toàn bí mật. Tôi đã trải qua những tháng ngày còn lại trong chiến tranh bằng cách như thế. Một tháng sau đó, tôi lên máy bay trở về nhà. Nhưng sự kinh hoàng về cuộc thảm sát vẫn còn ám ảnh trong tôi. Tại sao tôi lại ở đó? Những gì đã dẫn tôi đến một kết cục như thế? Tất cả những gì tôi muốn chỉ là để trở thành một người anh hùng.

“Tôi đã hiểu chiến tranh là như thế nào”

Ở trường ĐH, chúng tôi bàn luận về chiến tranh bằng những thuật ngữ về khoa học chính trị hơn là dùng những thuật ngữ về con người. Chúng tôi băn khoăn một việc là những chính sách được rút ra như thế nào. Những tiền lệ lịch sử của nó là gì? Chúng tôi đã học được giá trị của việc sử dụng tài liệu gốc như thư, nhật ký và những bài báo, trước đó chúng tôi hiếm khi suy nghĩ về những phần thuộc về con người của chiến tranh, bởi đó chỉ là phạm vi của thơ ca mà thôi. Tổng thống Kennedy đến thăm trường chúng tôi trong dịp khánh thành Thư viện Robert Frost chỉ một tháng trước khi ông bị ám sát. Chủ đề trong bài phát biểu của ông là mối quan hệ giữa thơ ca và quyền lực, vai trò của nghệ sĩ trong kiềm chế thực hiện quyền lực. Tuy nhiên, ông lại quá nhấn mạnh vào nghĩa vụ của những người có điều kiện học hành và phải trả lại bằng hình thức thực hiện các nghĩa vụ cho xã hội. Những ngôn từ trong bài Diễn văn Khánh thành của ông vẫn còn văng vẳng đâu đó trong tôi:

“Ngọn đuốc đã được trao cho một thế hệ mới, thắp lên bởi chiến tranh. . .”

“Chúng ta sẽ trả bất cứ giá nào, chống lại bất cứ kẻ thù nào . . . để bảo vệ sự tồn tại và thắng lợi của tự do”.

“Sự thành công hay thất bại cuối cùng của sự nghiệp này nằm trong các bạn chứ không phải tôi”.

“Tiếng kèn lại vang lên kết nối chúng ta lại với nhau . . . một lời kêu gọi nhằm giải quyết một gánh nặng quốc gia”.

“Đừng hỏi tổ quốc sẽ làm gì cho ta. Hãy hỏi rằng ta có thể làm gì cho tổ quốc”.

 (Nguồn: Kênh truyền hình NBC, 21/1/1961)

Theo sau cuộc thảm sát ở Đại Lộc, chiến tranh không còn là một chuỗi ý tưởng nữa mà trở thành một thây ma trôi trên sông, thành lớp da chết bị bong tróc trong giày của tôi, của những người bạn đã chết, hay là cái chết đang hàng ngày rình rập chúng tôi. Làm thế nào tôi có thể hiểu được những ngôn từ ngợi ca chiến tranh và ý tưởng về những cái chết như thế này?

Cuộc thảm sát ở Đại Lộc đã dạy cho tôi biết một điều là tôi cần phải dựa vào suy nghĩ của chính mình về đúng sai chứ không nên chỉ dựa vào suy nghĩ của chính quyền của một đất nước, của một đơn vị, hoặc thậm chí là của tổng thống. Ở Đại Lộc tôi thấy rằng theo tiếng gọi của tổ quốc nhiều khi cũng có thể dẫn tôi tới việc gây ra những tội ác kinh khủng mà tôi không bao giờ dám làm. Việc đi tìm những phẩm chất anh hùng đã trở thành một vũ khí có khả năng phá hủy mọi thứ mà nó tượng trưng. Tôi trở nên nghi ngờ những tuyên bố đầy ý tưởng, đối với tội ác mà tôi có thể phạm phải. Tôi nghĩ thậm chí sẽ rõ ràng hơn nếu nói rằng chúng tôi sẵn sàng phá hủy những ngôi làng này, giết những người dân vô tội này, ngăn chặn việc thu hoạch mùa màng này, tất cả chỉ để chúng tôi đạt được những mục tiêu về quân sự. Điều này sẽ bóp chặt ảo ảnh về những gì mà tôi đang làm. Ở Đại Lộc, tôi đã hiểu được chiến tranh là như thế nào.

Kỳ cuối: Che đậy tội ác

John Merson

Đã đóng bình luận.