Tận dụng thế, bảo đảm tốt hậu cần cho cơ động nhanh, giành thắng lợi lớn

QĐND Online – Sáng 30-4-1975, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng trên Đài phát thanh Sài Gòn, chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi. Để giành được thắng lợi to lớn đó, chúng ta đã huy động một lượng lớn lực lượng, vũ khí, trang bị kỹ thuật vượt trội so với kẻ thù, hạn chế các bất lợi trong điều kiện tác chiến ở chiến trường có “không gian rộng”, “thời gian ngắn”… Đóng góp vào chiến thắng lịch sử vẻ vang đó có một phần rất lớn của công tác bảo đảm hậu cần.

Thế mới trong công tác bảo đảm hậu cần

Sau chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, ngày 25-3-1975 Bộ Chính trị chủ trương, “Tập trung nhanh nhất lực lượng (từ 12 sư đoàn trở lên), binh khí, kỹ thuật và vật chất giải quyết xong Sài Gòn – Gia Định trước mùa mưa”. Tiếp đó vào ngày 30-3 và 14-4, Bộ Chính trị đã chính thức hạ quyết tâm mở chiến dịch Hồ Chí Minh – chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn kết thúc chiến tranh.

Trong chiến dịch này ta chủ trương sử dụng lực lượng tiến công giải phóng Sài Gòn trên 5 hướng: Tây Bắc (hướng tiến công chủ yếu), hướng Bắc; hướng Đông Nam, hướng Đông, hướng Tây và Tây Nam. Lực lượng chủ lực gồm các Quân đoàn 1, 2, 3, 4; Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 8 và các đơn vị của các binh chủng, bộ đội địa phương của các tỉnh Bình Dương, Bình Phước cùng nhiều lực lượng khác được tăng cường phối thuộc hiệp đồng tác chiến. Do vậy nhu cầu bảo đảm vật chất hậu cần, kỹ thuật phục vụ chiến dịch  rất lớn, vừa phải bảo đảm cho quân ta chiến đấu tại chỗ, giữ vững các vùng giải phóng, vừa bảo đảm hành quân cơ động tác chiến trên khắp các chiến trường.

Trước tình hình đó, công tác hậu cần đã chủ động tận dụng “thế” chiến thắng của quân và dân ta; huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực hậu phương lớn miền Bắc, tập trung khai thác triệt để nguồn cung cấp hậu cần tại chỗ; hậu cần chiến lược và chiến dịch kết hợp chặt chẽ, thọc sâu, vươn xa, bảo đảm nhanh, đầy đủ và kịp thời để các lực lượng chủ lực tiến quân thần tốc, đập tan sào huyệt cuối cùng của chính quyền ngụy Sài Gòn.

Đoàn xe vận tải vượt Trường Sơn bảo đảm cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

“Mạng nhện” chiến lược

Để đảm bảo thắng lợi cho chiến dịch Hồ Chí Minh, trước đó ta đã làm thêm hàng nghìn ki-lô-mét đường chiến lược, chiến dịch; kéo dài đường ống dẫn dầu vào miền Đông Nam Bộ. Mạng đường cơ động chiến lược, chiến dịch chằng chịt, đan xen được ví như mạng nhện bao vây, chia cắt quân ngụy và sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.

Tuyến vận tải quân sự đông Trường Sơn được nhanh chóng xây dựng từ đường số 9 qua các khu vực hậu phương của Trị Thiên, Khu 5, Tây Nguyên vào miền Đông Nam Bộ. Với nỗ lực phi thường, trong hai năm (1973 và 1974) chúng ta đã xây dựng thêm 3.480 km đường ô tô (lớn hơn tổng chiều dài đường giao thông xây dựng trong 13 năm trước đó), đưa chiều dài mạng đường vận tải chiến lược lên 16.790km, với sáu trục dọc ở cả đông và tây Trường Sơn. Để đưa bộ đội cơ động áp sát mục tiêu chiến dịch, ta đã chủ động mở thêm mạng đường chiến dịch (ước khoảng 4.000km) nối liền với đường chiến lược. Như vậy, tính đến thời điểm trước khi diễn ra chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã có mạng đương cơ động chiến lược và chiến dịch trên 20.000km nối liền hậu phương với chiến trường.

Mạng đường vận tải chiến lược ngày càng hoàn chỉnh, các lực lượng vận tải đã chuyển sang hình thức vận chuyển lớn theo đội hình trung đoàn tập trung trên cung độ dài để nâng cao hiệu suất. Trước khi bắt đầu chiến dịch ta đã có khoảng 6.770 ô tô làm nhiệm vụ vận chuyển chiến lược vào chiến trường. Chỉ đơn cử, ngày 25-3-1975, Quân đoàn 1 nhận lệnh hành quân gấp từ Tam Điệp (Ninh Bình) và có mặt tại Dầu Tiếng (Tây Ninh) ngày 20-4. Ngày 5-4, Quân đoàn 2 nhận lệnh cơ động ở Đà Nẵng, vừa hành quân vừa chiến đấu đập tan tuyến phò

Đoàn 125 Hải quân chở bộ đội tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh (1975). Ảnh tư liệu.

Để bảo đảm nhiên liệu cho các phương tiện tham gia chiến dịch, ta đã hoàn chỉnh một hệ thống đường ống dài 4.490km từ hậu phương miền Bắc đến các chiến trường miền Nam theo hai trục đông và tây Trường Sơn, gồm 250 trạm bơm đẩy và hút, 46 kho dự trữ với 270.000 m3 nhiên liệu. Theo thống kê, từ năm 1973 đến giữa năm 1975, bộ đội hậu cần đã vận chuyển vào các chiến trường hơn 303.000 tấn nhiên liệu (gấp 2-3 lần kết quả vận chuyển từ năm 1965 đến năm 1972), riêng mấy tháng đầu năm 1975 đã vận chuyển được 100.000 tấn xăng dầu vào chiến trường, đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển cơ động binh khí, kỹ thuật trên các hướng.

Tính đến khi bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, hậu cần chiến dịch đã tập trung lực lượng đưa vào miền Nam 115.000 quân và 90.000 tấn hàng, trong đó có 37 tấn vũ khí, 9.000 tấn xăng dầu. Riêng từ ngày 15 đến 26-4-1975, đã khai thác, vận chuyển được 24.000 tấn vũ khí, 25.000 tấn lương thực, thực phẩm, 1.000 tấn thuốc, tổ chức 5 trạm trung tu, 10 trạm sửa chữa pháo và xe tăng, phục vụ cơ động cho chiến dịch.

Tăng cường hậu cần tại chỗ

Song song với bảo đảm hậu cần chiến lược, ta chủ trương điều chỉnh bố trí các căn cứ hậu cần trong các vùng giải phóng trên các hướng chiến dịch. Quân khu Trị Thiên đã triển khai các căn cứ hậu cần trên hướng tiến công vào Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Quân khu 5 đã đã xây dựng căn cứ hậu cần phía sau của chiến trường, đồng thời triển khai các căn cứ hậu cần phía trước trên các hướng tiến công vào Quảng Nam – Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và phát triển xuống Phú Yên và hướng lên Tây Nguyên.

Các quân khu thuộc B2 cùng các căn cứ hậu cần: Quân khu 6 trên hướng tiến công vào Phan Thiết, Hàm Tân. Quân Khu 7 trên hướng tiến quân vào ven đô và Sài Gòn, Mỹ Tho và lộ 4. Quân khu 9 trên hướng tiến quân vào đô thị, trọng điểm là Cần Thơ. Riêng ở chiến trường miền Đông Nam Bộ đã triển khai 8 căn cứ hậu cần liên hoàn (5 ở phía trước và 3 ở phía sau), hình thành thế trận hậu cần quanh Sài Gòn. Tính đến trước thời điểm diễn ra chiến dịch Hồ Chí Minh, hậu cần đã dự trữ được khoảng 250.000 tấn hàng các loại, thành lập 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị với trên 10.000 giường bệnh để phục vụ bộ đội chiến đấu. Hậu cần miền Nam đã huy động lực lượng vận chuyển hàng hóa, vũ khí vào các kho, trạm của chiến dịch và tập trung sửa chữa, mở đường, bắc cầu, ưu tiên cho những tuyến đường trọng yếu cho các binh đoàn chủ lực tiến công cơ động, nhanh chóng, kịp thời, tạo một thế trận hậu cần liên hoàn, rộng khắp, đáp ứng yêu cầu của Bộ chỉ huy chiến dịch.

Ngày 22-4-1975, sau khi duyệt lại mọi mặt chuẩn bị, Bộ Chính trị Trung ương Đảng khẳng định, thời cơ tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi và kết luận: “Ta đã hoàn thành việc tập trung lực lượng, tập trung khí tài kỹ thuật và các cơ sở vật chất khác đạt ưu thế áp đảo quân địch. Đã triển khai xong thế trận bao vây, chia cắt chiến dịch, cô lập Sài Gòn đến cao độ. Chiến dịch lịch sử này đã có những cơ sở đảm bảo chắc thắng”.

Như vậy, tính đến trước thời điểm diễn ra chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã giải quyết tốt vấn đề chiến trường có “không gian rộng”, “thời gian ngắn”, “lượng vật chất lớn”. Có được kết quả ấy là do ta có “thế” mới trên nền “thế” cũ đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước, kịp thời phát huy “lực” sẵn có, kết hợp chặt chẽ giữa tuyến hậu cần chiến dịch và hậu cần chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi cho quân chủ lực của ta bao vây, truy kích thần tốc, tiến tới giành thắng lợi nhanh chóng và trọn vẹn trong trận đánh cuối cùng, lập nên chiến công vĩ đại.

Mạnh Thắng

qdnd.vn

5 cánh quân giải phóng Sài Gòn (Bài 1)

Quân đoàn 1 mở cửa hướng Bắc

Vượt chặng đường dài 1.700km, ngày 14-4-1975, các đơn vị của Quân đoàn 1 đã có mặt tại khu vực tập kết Đồng Xoài và sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu – tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh – trận đánh cuối cùng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Gian nan đường hành quân

Ngày 31-3-1975, chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị và chỉ thị của Quân ủy Trung ương, tại Tổng hành dinh ở Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Thế Bôn, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 1: “Quân đoàn 1 (trừ Sư đoàn 308) có nhiệm vụ tổ chức hành quân gấp vào miền Đông Nam bộ, hiệp đồng với các đơn vị bạn tham gia trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn – Gia Định”.

Lữ đoàn xe tăng 202 phối hợp cùng Sư đoàn 320B, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Chỉ trong vòng 16 ngày, Quân đoàn 1 đã tổ chức được các lực lượng tập kết tại Đồng Xoài – tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước). Bộ Tư lệnh Quân đoàn nhận định: Lúc này trên cả trục đường (đường số 1, đường Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn) đều có những khó khăn, thuận lợi.

Bộ Tư lệnh Quân đoàn quyết định hành quân trên đường Tây Trường Sơn. Quân đoàn chia làm 2 khối, đi bằng ô tô (Bộ Tư lệnh Trường Sơn hỗ trợ thêm ô tô) và cơ động theo đường 9 qua Hạ Lào vào Tây Trường Sơn đến Đắc Tô rồi nhập vào đường 14 để vào tập kết ở Đồng Xoài. Ngày 3-4, toàn quân đoàn ra trận. Đội hình hành quân của quân đoàn kéo dài hàng trăm cây số.

Ông Ngô Viết Đông, chiến sĩ lái xe Sư đoàn 751, Bộ Tư lệnh Trường Sơn lúc đó cho chúng tôi biết: “Càng tiến về khu vực Hạ Lào, khí hậu khô bức. Đất bụi mịt mù. Tuy không nhìn rõ nhau, nhưng các xe vẫn cố bám đội hình hành quân. Bộ đội chúng tôi ăn ngủ ngay trên xe. Mỗi xe bố trí 2 lái xe đi liên tục cả ngày lẫn đêm. Mỗi xe là một phân đội nhỏ tự quản lý, giúp đỡ nhau về mọi mặt. Khi gặp địch thì từng xe là một phân đội chiến đấu. Nếu bị tắc đường, các xe phối hợp lại giúp nhau để giải tỏa nhanh chóng”.

9 giờ 30 phút ngày 7-4-1975, khi liên lạc với Bộ Tổng tư lệnh, Sở Chỉ huy Quân đoàn nhận được bức điện khẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Toàn văn bức điện như sau: “Gửi Bộ tư lệnh 559, Tiền phương 559. Các sư đoàn, các đoàn binh khí kỹ thuật trên đường hành quân. 559 chuyển Quân đoàn 1, Quân đoàn 2… Mệnh lệnh: Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.

Trong lịch sử quân đội ta chưa bao giờ có một cuộc hành quân quy mô đến thế, thần tốc như thế. Khi xưa, vua Quang Trung tổ chức hành quân thần tốc từ Phú Xuân ra Thăng Long, chặng đường dài 700 km, ngày đi đêm nghỉ. Trong Chiến dịch giải phóng Sài Gòn này, đoàn quân với hàng ngàn phương tiện cơ giới đã vượt chặng đường dài 1.700km từ Bắc vào Nam, đi suốt ngày đêm không nghỉ.

Trong khi lực lượng cơ bản của Quân đoàn 1 đang thần tốc tiến về miền Đông Nam bộ thì Sư đoàn 308 cũng được lệnh rời doanh trại xuất phát tiến về Nam thực hiện cuộc nghi binh chiến lược. Các đơn vị thông tin vô tuyến của sư đoàn ở vị trí cũ vẫn đều đặn phát tín hiệu lên không trung vào các giờ quy định. Đối phương không thể ngờ, Sư đoàn 308 lặng lẽ hành quân bí mật vào chiếm lĩnh vị trí ở khu vực Tam Điệp – Bỉm Sơn (Ninh Bình) để sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc và cơ động chi viện chiến trường.

  • Mở toang cửa phía Bắc

Ngày 25-4, tại Sở chỉ huy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn phổ biến quyết tâm chiến đấu của Quân đoàn, văn bản đã được Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh phê chuẩn và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Sư đoàn 320B cùng một số đơn vị đảm nhiệm tấn công, thọc sâu vào Sài Gòn, chiếm Bộ Tổng tham mưu và chi khu Gia Định. Hướng thứ yếu, Sư đoàn 312 và một số đơn vị khác đảm nhiệm tiến công, chia cắt, ngăn chặn, bao vây cô lập tiến tới tiêu diệt Sư đoàn 5 ngụy không cho chúng co cụm hoặc rút chạy về Sài Gòn.

Kế hoạch tác chiến này khẳng định cách đánh dùng lực lượng binh chủng hợp thành, tiến hành đồng thời giữa đột phá với thọc sâu chiến dịch, kết hợp với LLVT địa phương tạo nên sức mạnh tổng hợp của đòn tiến công và nổi dậy. Đây là lần đầu tiên quân đoàn tổ chức lực lượng sư đoàn tăng cường đánh thọc sâu vào thành phố. Nhờ được tập luyện trong cuộc diễn tập ở Sầm Sơn (tháng 1-1975), Quân đoàn đã tích lũy kinh nghiệm vận dụng đúng tại hướng Bắc Sài Gòn.

17 giờ ngày 26-4, Quân đoàn 1 đã chiếm lĩnh các vị trí ở hướng Bắc Sài Gòn và sẵn sàng xuất phát tiến công. Trong khi địch đang tăng cường sử dụng không quân, pháo binh ngăn chặn ta từ xa và điều thêm lực lượng chốt giữ các căn cứ vòng ngoài như Bình Mỹ, dốc Bà Nghĩa, quận lỵ Tân Uyên… (tỉnh Bình Dương) thì ta đã áp sát các căn cứ Chánh Lưu (Bình Dương) và Phước Vĩnh, Phước Hòa (tỉnh Phước Long) nay là Bình Phước; thực hiện nghi binh thu hút sự chú ý của địch; buộc Sư đoàn 5 của ngụy phải điều Trung đoàn 8 ra chặn đường 14.

Đêm 26-4, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch đến kiểm tra lại các mặt chuẩn bị của Quân đoàn 1. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Hòa, Tư lệnh Quân đoàn 1 báo cáo tình hình, Đại tướng Văn Tiến Dũng thông báo: “Cánh quân phía Đông và Đông Nam đang phát triển nhanh. Các nơi đang kiềm chế trận địa pháo binh địch. Chính quyền Sài Gòn chưa phán đoán được ý đồ và cách đánh của ta nên đối phó rất bị động và lúng túng. Chiến dịch đang phát triển thuận lợi”.

Đại tướng nhấn mạnh, Quân đoàn 1 tăng cường theo dõi chặt chẽ tình hình sau khi ta đánh mở cửa, cài thế chiến dịch. Phải nắm chắc mọi động thái của Sư đoàn 5 ngụy, kịp thời tổ chức tiến công tiêu diệt khi chúng rút chạy, co cụm. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho mũi thọc sâu theo kế hoạch, kịp thời xử trí các tình huống bất trắc xảy ra.

16 giờ 30 phút ngày 27-4, Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn 1 ra lệnh cho Sư đoàn 312 nổ súng tiến công cứ điểm Bình Cơ và Bình Mỹ (thuộc tỉnh Bình Dương). 18 giờ, ta đã tiêu diệt và làm tan rã quân địch, mở thông đường 16 tạo điều kiện cho quân ta di chuyển nhanh từ Chánh Lưu để đi nhanh về Lái Thiêu, tạo điều kiện cho lực lượng vào triển khai theo kế hoạch.

Với chủ trương đi đường vòng, bỏ qua các mục tiêu dọc đường để nhanh chóng tiến quân vào mục tiêu với tinh thần quyết thắng. Sáng 29-4, các cánh quân đồng loạt tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch tại Sài Gòn. Trong khi Sư đoàn 312 tổ chức tiến công, bao vây, chia cắt, cô lập Sư đoàn 5 ngụy thì Sư đoàn 320B tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiến công.

Sau một ngày chiến đấu, Trung đoàn 209 đã cắt đứt hoàn toàn đường 13 và 14, không cho Sư đoàn 5 của ngụy ứng cứu cho nhau. 4 giờ 15 phút ngày 30-4, Trung đoàn 27 nổ súng tiến công Lái Thiêu. Sau 2 giờ chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ Lái Thiêu, mở toang cánh cửa phía Bắc Sài Gòn.

Theo đồng chí Vương Văn Vinh, Đại đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, khi đó: “Trận đánh quá bất ngờ nên quân địch không biết. Tờ mờ sáng ngày 30-4, một đoàn xe của địch ở đâu tự nhiên tiến vào Lái Thiêu. Tiểu đoàn chúng tôi liền triển khai đội hình. Tốp đi đầu khoảng 20 xe có xe tăng bị ta tiêu diệt trên đường 13. Tốp sau hơn chục xe liều chết vượt qua đường 13 về phía Bắc Lái Thiêu để về Sài Gòn cũng bị ta tiêu diệt nhanh chóng”.

8 giờ 30 phút ngày 30-4, một cánh quân khác của Quân đoàn 1 là Trung đoàn 48 đã vượt qua cầu Bình Triệu và qua ngã tư Phú Nhuận, theo đường Võ Tánh vào đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy (nay là BTL QK7, đường Hoàng Văn Thụ). 9 giờ 30 phút, ba mũi tiến công từ ba cổng đã gặp nhau ở khu vực cột cờ trước sân trụ sở Bộ Tổng Tham mưu ngụy.

Trước sức tiến công áp đảo của ta, binh lính sĩ quan ngụy thuộc tiểu đoàn biệt kích dù, bảo vệ Tổng hành dinh và các đơn vị khác đã phải lột bỏ quân phục, vứt súng bỏ chạy thoát thân. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48 là Đoàn Trưng và Chính ủy Lê Xuân Yến tiến vào phòng làm việc của tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân ngụy, thu nhiều tài liệu quan trọng. Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ giải phóng đã tung bay trên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu ngụy trong tiếng hò reo chiến thắng!

Sáng 25-4, tại Nhà Văn hóa Thanh niên, hơn 500 bạn trẻ đã tham dự chương trình giao lưu “Thành đoàn – Viết tiếp bản hùng ca” do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Với việc hình thành 5 cánh quân bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn thì tại Sài Gòn, LLVT nội thành cũng đã xây dựng 5 cánh quân tại các khu vực: Ngã Bảy, Bàn Cờ, Vườn Chuối (quận 3); Xóm Chiếu, Khánh Hội (Quận 4); ngã tư Phú Nhuận (quận Phú Nhuận); Cầu Bông, Bà Chiểu (quận Bình Thạnh); Tân Phú, Tân Sơn, Bà Điểm (quận Tân Bình). Đây là lực lượng tại chỗ gồm nhân dân, sinh viên, học sinh, trí thức… do Thành đoàn TPHCM phát động và lãnh đạo quần chúng chuẩn bị nổi dậy.

Qua lời kể của bà Trương Mỹ Lệ (trực tiếp chỉ huy 5 cánh quân LLVT nội thành); bà Trần Thị Ngọc Hảo (phụ trách cánh quân tại quận 4) và ông Nguyễn Văn Ngọc (phụ trách cánh quân tại quận Tân Bình), lực lượng đặc biệt này đã tổ chức vận động nhân dân chuẩn bị lương thực, dụng cụ y tế, may cờ, băng rôn, khẩu hiệu… tổ chức thu gom vũ khí, bảo vệ an ninh trật tự nội đô suốt ngày 30-4-1975 và bàn giao lại cho chính quyền quân quản vào ngày hôm sau.

ĐOÀN HIỆP

_________________

(Trong bài có sử dụng tài liệu “Năm 1975, những sự kiện lịch sử trọng đại”, “Những chiến dịch có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong Đại thắng Mùa xuân 1975” của Nhà xuất bản QĐND, xuất bản tháng 4-2010).

SGGP Online

5 cánh quân giải phóng Sài Gòn (Bài 2)

Quân đoàn 2 tiến về Sài Gòn từ hướng Đông Nam

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với ông ký ức hào hùng, oanh liệt về những ngày cuối cùng của tháng 4 lịch sử cách đây 35 năm và những trận đánh tốc chiến tốc thắng của Quân đoàn 2 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn như còn rất mới. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, chúng tôi được trò chuyện với ông – Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam để nghe ông kể về những kỷ niệm đáng nhớ của tháng tư năm xưa.

Quân đoàn 2 còn gọi là “Binh đoàn Hương Giang”, được thành lập ngày 17-5-1974 tại tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên – Huế).

Quân đoàn 2 ban đầu gồm các sư đoàn bộ binh: 325, 304, Lữ đoàn pháo binh 164, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Lữ đoàn công binh 219, Trung đoàn đặc công 116, Sư đoàn pháo cao xạ 673. Tổng số xe chở hàng và chở người của Quân đoàn 2 lên tới 2.267 chiếc.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 2 do Thiếu tướng Nguyễn Hữu An làm Tư lệnh và Thiếu tướng Lê Linh là Chính ủy đã được giao nhiệm vụ tiến công đánh chiếm căn cứ Nước Trong, chi khu Long Bình, căn cứ Long Bình, chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ… cảng và bến phà Cát Lái, đánh chiếm Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa, pháo kích vào sân bay Tân Sơn Nhất, quận 9 và quận 4 và hợp điểm tại Dinh Độc Lập.

Chiếc xe tăng số hiệu 390 của Đại đội 4, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 là chiếc tăng đầu tiên đã húc đổ cánh cổng sắt lạnh lùng của Dinh Độc Lập và đại úy Bùi Quang Thận đã cắm lá cờ chiến thắng lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 trên nóc Dinh Độc Lập kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

T.L.

Một buổi sáng sớm cuối tháng 4, trong căn phòng trang trí giản dị của Hội Nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh hào hứng kể cho chúng tôi nghe về những ngày oanh liệt của Quân đoàn 2 trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Theo ông, chiến dịch Hồ Chí Minh dù chỉ diễn ra trong vòng 5 ngày (từ 26-4 đến 30-4-1975) nhưng là một chiến dịch điển hình về nghệ thuật quân sự Việt Nam trong sự phối hợp hiệp đồng tấn công của các binh chủng tạo thành một sức mạnh tổng hợp để tiêu diệt quân thù.

Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (khi ấy là Tham mưu phó Sư đoàn 325), các lực lượng của Quân đoàn 2 không chỉ có nhiệm vụ đánh chiếm nhiều vị trí quan trọng của địch trong nội đô Sài Gòn mà còn ngăn chặn, chia cắt đường rút của quân địch qua sông Lòng Tàu và căn cứ hải quân Cát Lái. Hơn nữa, vùng Đông Nam Sài Gòn địa hình khá phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều đồng lầy lớn và sông ngòi chằng chịt nên trong quá trình đánh chiếm các vị trí của địch Quân đoàn 2 phải cố gắng bảo vệ các cây cầu trên đường tiến quân, không để địch phá hoại nhằm tránh gây khó khăn cho những trận đánh vào nội đô của quân ta. Vì vậy Quân đoàn 2 được Bộ chỉ huy chiến dịch cho lệnh “khai hỏa” sớm hơn một ngày so với các hướng tấn công khác để đảm bảo thời gian hiệp đồng cùng với các cánh quân khác đánh vào nội đô Sài Gòn cùng một lúc.

17 giờ ngày 26-4-1975, các sư đoàn, binh đoàn trong Quân đoàn 2 bắt đầu tấn công trên mặt trận phía Đông và Đông Nam Sài Gòn. Tiếng pháo của Lữ đoàn pháo binh 164 cùng các sư đoàn, tiểu đoàn khác của quân đoàn đồng loạt nã vào các mục tiêu trên đường tấn công. Địch kháng cự rất quyết liệt, chúng dùng pháo binh bắn vào đội hình của ta, dùng xe tăng – thiết giáp để cố bịt các cửa vừa bị quân ta mở ra.

Trước hỏa lực mạnh của chúng ta, cùng với sự quyết tâm, quả cảm của các lực lượng bộ binh, xe tăng, pháo binh mà các cụm quân địch nằm trên tuyến phòng ngự vòng ngoài như căn cứ Nước Trong, Trường Thiết giáp, chi khu Long Thành, thành Tuy Hạ đã không thể cầm cự lâu hơn chờ viện binh mà lần lượt bị đập tan.

Chiều ngày 29-4, tất cả mục tiêu của địch ở phía vòng ngoài để bảo vệ nội đô Sài Gòn ở hướng Đông Nam đều bị Quân đoàn 2 tiêu diệt. Sau khi chiếm được khu vực Nhơn Trạch, sáng sớm ngày 29-4, theo đúng kế hoạch đã định pháo 130mm của Lữ đoàn 164 đã nã liên tục vào sân bay Tân Sơn Nhất nhằm khống chế sân bay, không cho quân địch chạy thoát.

Các đồng chí chỉ huy Quân đoàn 2 và Sư đoàn 304 trên đường tiến quân vào Sài Gòn. Ảnh: TƯ LIỆU

Lúc này, sân bay Tân Sơn Nhất chìm ngập trong biển lửa, nhiều đoạn đường băng và máy bay của địch bị phá hỏng. Tiếng pháo của các đơn vị thuộc Quân đoàn 2 gầm vang khắp nội đô Sài Gòn, khiến quân địch khiếp đảm.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết, trong những giờ phút mà khí thế chiến thắng của quân ta đang lên như nước vỡ bờ thì chúng tôi nhận được mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.

Mệnh lệnh này đã tiếp thêm sức mạnh khiến toàn bộ anh em chiến sĩ tham gia chiến dịch thêm quyết tâm chiến đấu để sớm giải phóng miền Nam. Cùng với việc quân ta tiêu diệt nhanh các cứ điểm vững chắc bảo vệ vòng ngoài của địch đã khiến lực lượng ngụy quân còn lại ở trong nội đô Sài Gòn lúc đó vô cùng hoang mang, dao động, tạo thuận lợi cho các mũi tấn công thọc sâu vào nội đô Sài Gòn đánh chiếm những mục tiêu quan trọng một cách nhanh, gọn.

Sau những trận đánh ác liệt diễn ra tại căn cứ Nước Trong, cầu Xa Lộ, Tổng kho Long Bình, Thủ Đức… cho tới trưa ngày 30-4 thì chiếc xe tăng số hiệu 390 cùng với xe tăng số hiệu 843 của Quân đoàn 2 đã húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh kể – trong ngày 30-4-1975 Sư đoàn 325 của ông có nhiệm vụ vượt phà Cát Lái đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân, cảng Sài Gòn, Nhà Bè… Khi chúng tôi nhận được thông tin Dinh Độc Lập đã hoàn toàn bị khống chế, cờ giải phóng đã tung bay trên nóc cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn, lúc đó ai cũng rưng rưng, vui mừng khôn xiết, bởi chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, kết thúc những năm tháng kháng chiến vẻ vang và oanh liệt của dân tộc. Miền Nam đã được giải phóng, non sông đất nước đã thống nhất.

Những ngày cuối tháng 4 này, chúng tôi đã gặp khá nhiều nhân chứng lịch sử. Nhưng, có lẽ ấn tượng nhất là những nhân chứng lịch sử – các chỉ huy và chiến sĩ Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203 – đã lái xe tăng húc đổ cổng và cắm cờ tại Dinh Độc Lập.
Nhằm phát huy sức mạnh của binh khí kỹ thuật, nhất là xe tăng thiết giáp, trong trận quyết chiến cuối cùng này Quân đoàn 2 đã quyết định tổ chức lực lượng hỗn hợp đánh thọc sâu vào nội đô, lấy Lữ đoàn xe tăng 203 làm nòng cốt, khi có thời cơ sẽ đánh thẳng vào trung tâm đầu não của địch ở Dinh Độc Lập.

Khi vào đến cửa ngõ Sài Gòn, xe tăng của Đại đội 4 bị quân địch chặn đánh quyết liệt. Đến ngã tư Hàng Xanh, chiếc xe tăng của đại úy Bùi Quang Thận bắn cháy 2 chiếc M41 tại cầu Thị Nghè rồi cùng về đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Đến ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm, đại úy Bùi Quang Thận chỉ đạo xe tăng quẹo trái đến trước cổng Sở Thú, đang băn khoăn tìm đường thì anh gặp được một phụ nữ người Sài Gòn chỉ đường đến Dinh Độc Lập. Xe tăng của Chính trị viên Vũ Đăng Toàn, sau khi bắn cháy 2 chiếc M113 đã đi theo hướng đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa bây giờ) và cũng đến được Dinh Độc Lập.

Trong khi xe tăng của đại úy Bùi Quang Thận số hiệu 843 mắc kẹt ở cổng phụ thì Chính trị viên Vũ Đăng Toàn đã cho xe tăng số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Đại úy Bùi Quang Thận rút cây ăng ten cao 4 mét trên xe (bên trên có lá cờ giải phóng) và tiến thẳng vào trong dinh. Anh yêu cầu một sĩ quan ở trong Dinh Độc Lập dẫn lên chỗ cột cờ và hạ lá cờ ba sọc đỏ xuống, treo lá cờ Mặt trận giải phóng. Lúc đó là 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975.

Đại tá Bùi Quang Thận (khi ấy là đại úy, Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203) – người đầu tiên cắm cờ tại Dinh Độc Lập, kể: “Anh em chúng tôi đã may mắn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Càng may mắn và tự hào khi chúng tôi tham gia đợt hành quân thần tốc của xe tăng, xe thiết giáp về thủ đô của ngụy quân, ngụy quyền. Vì đây là cuộc hành quân có một không hai trong lịch sử chiến tranh thế giới. Theo đánh giá tổng kết thì đó là cuộc hành quân bằng xe tăng dài nhất mà lại hành quân bằng bánh xích vận hành ngoài quốc lộ chứ không phải do xe hay tàu kéo!”.

Đại úy Vũ Đăng Toàn (nguyên Trung úy, Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, trưởng xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập), cho biết: “Chúng tôi được lệnh thần tốc hành quân. Nhưng, theo chỉ đạo nếu gặp địch không chống cự thì vẫn tiếp tục hành quân. Vì việc tiêu diệt địch đã có bộ đội địa phương. Chúng tôi phải thần tốc hành quân về điểm tập kết theo lệnh của cấp trên. Tinh thần anh em lúc đó quyết tâm lắm. Vừa dừng xe thì anh em kỹ thuật lo bảo dưỡng xe. Máy móc nóng bỏng, nhưng anh em vẫn kiểm tra, mồ hôi tuôn như mưa lên máy. Bằng mọi giá phải vượt qua khó khăn, đảm bảo đúng cung độ, cung đường”.

KHÁNH NGUYỄN – ĐOÀN HIỆP

>> Bài 1: Quân đoàn 1 mở cửa hướng Bắc

SGGP Online

5 cánh quân giải phóng Sài Gòn (Bài 3)

“Quả đấm thép” – ngày ấy… bây giờ

Được mệnh danh là “Quả đấm thép”, trong những ngày tháng 4 lịch sử, hòa chung với khí thế hừng hực của quân đội nhân dân Việt Nam, Binh đoàn Tây Nguyên – mũi tiến công thứ 3 trong 5 mũi tiến công của quân ta – đã đánh thẳng vào Bộ Tổng tham mưu của ngụy và phi trường Tân Sơn Nhất, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

  • Chuyện kể của vị Đại tá

Tuy đã bước vào tuổi 62 nhưng Đại tá Phạm Chào – nguyên Cục trưởng Cục Chính trị – Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Gương mặt ông như sáng bừng lên khi nghe chúng tôi hỏi về những ngày cùng với các đơn vị thuộc Binh đoàn Tây Nguyên tham gia vào các trận đánh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

9 giờ 30 ngày 30-4-1975, quân Giải phóng chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu

Tháng 3-1975, chúng ta mở chiến dịch Nam Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột. Bằng nghệ thuật lừa địch, ta đã cắt rời địch thành hai mảng Nam và Bắc Tây Nguyên với các chiến trường khác, Quân đoàn 3 đã bí mật và bất ngờ tấn công Buôn Ma Thuột, tiêu diệt Sư đoàn 2, Sư đoàn 3 và toàn bộ lực lượng địch ở Buôn Ma Thuột; tiếp đó giải phóng Phú Yên, Khánh Hòa và một phần tỉnh Bình Định. Ngày 10-3-1975, Buôn Ma Thuột hoàn toàn được giải phóng, chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng. Tây Nguyên được giải phóng hoàn toàn vào ngày 25-3-1975.

Sau khi chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi, Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam. Để đáp ứng yêu cầu, hoàn thành sứ mệnh cách mạng, ngày 26-3-1975, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Binh đoàn Tây Nguyên, từ những đơn vị chủ lực của Mặt trận B3. Ngày 12-4-1975, Binh đoàn Tây Nguyên hành quân về Đông Nam bộ mở chiến dịch mới.

Đồng chí Phạm Chào cho biết, dẫu sau chiến thắng ở chiến trường Tây Nguyên quân ta chưa được nghỉ ngơi, nhưng tất cả chiến sĩ của binh đoàn rất hồ hởi, khi được đóng góp sức mình vào chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch cuối cùng thống nhất đất nước, tất cả cùng hô to khẩu hiệu truyền miệng: “Thời cơ thôi thúc, nhiệm vụ vinh quang, xốc tới vươn lên, quyết giành toàn thắng”. Ngày 18-4-1975, Sư đoàn 470, 471 (thuộc Binh đoàn Tây Nguyên) hành quân đến Dầu Tiếng, vào rừng cao su củng cố lực lượng, chuẩn bị quân trang, quân dụng sẵn sàng chiến đấu. Ngày 24-4-1975, Binh đoàn Tây Nguyên được phổ biến chuẩn bị mở chiến dịch và sẽ đảm nhận một mũi thọc sâu vùng Tây Bắc Sài Gòn.

5 giờ 30 phút sáng 29-4-1975, từ vị trí tập kết ở rừng cao su Củ Chi, các đơn vị thuộc Binh đoàn Tây Nguyên đi vòng theo các đường 1 và đường 15 tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất theo 2 mũi, quân địch chống cự rất ác liệt nhằm ngăn chặn thế tấn công của bộ đội ta. Suốt một ngày chiến đấu (từ 5 giờ 30 phút sáng đến 14 giờ chiều), chúng ta với khí thế chiến đấu cao, vừa đi vừa đánh đã bắn cháy 5 xe tăng, 1 tiểu đoàn của địch, quét sạch hết mọi kháng cự của địch ở, trại huấn luyện Quang Trung, cầu Bông, kênh Xáng.

21 giờ 30 phút ngày 29-4-1975, ta chiếm luôn ngã tư Bảy Hiền, tiến sát đến cổng số 5 của sân bay Tân Sơn Nhất. 7 giờ sáng ngày 30-4-1975, quân ta với 2 mũi tấn công: Trung đoàn 24 đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, Trung đoàn 28 đánh thẳng vào Bộ Tổng tham mưu của ngụy, đến 9 giờ sáng chiếm Sở Chỉ huy không quân và Sư đoàn 5 không quân của địch, bắt sống được 3 đại tá. 11 giờ 30 phút, Trung đoàn 24 chiếm được toàn bộ sân bay Tân Sơn Nhất và Trung đoàn 28 phối hợp cùng đơn vị bạn chiếm Bộ Tổng tham mưu của địch. Sư đoàn 10 với nhiệm vụ thọc sâu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

  • Binh đoàn Anh hùng

Hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Binh đoàn Tây Nguyên tiếp tục giúp các địa phương vùng giải phóng giữ vững chính quyền, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân khu vực Sài Gòn – Gia Định, Thủ Dầu Một, Củ Chi. Tháng 6-1976, binh đoàn về đứng chân ở miền Trung – Tây Nguyên làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tham gia xây dựng củng cố cơ sở chính trị tại địa phương và truy quét lực lượng Ful-rô, giữ vững an ninh, chính trị vùng giải phóng.

Đất nước vừa yên tiếng súng, hòa bình chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, từng bộ phận và sau đó cả đội hình của Binh đoàn Tây Nguyên lên đường ra biên giới. Binh đoàn đã tổ chức nhiều chiến dịch, đánh hàng trăm trận, trừng trị và tiêu diệt nhiều đơn vị chủ lực của tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêngxari, bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc, đồng thời giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Tháng 6-1979, binh đoàn hành quân ra phía Bắc làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Liên tục từ tháng 9-1985 đến tháng 7-1986, binh đoàn tiếp tục chiến đấu ở Vị Xuyên. Gần 10 năm ở đất Bắc, binh đoàn đã nỗ lực phấn đấu và đã trưởng thành về nhiều mặt.

Chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc kết thúc, năm 1987 từ miền Bắc, binh đoàn nhận nhiệm vụ trở lại Tây Nguyên. Vượt lên những khó khăn riêng tư, 100% cán bộ, chiến sĩ chấp hành mệnh lệnh lên đường. Đã 23 năm kể từ ngày trở lại Tây Nguyên, được sự đùm bọc, sẻ chia của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ binh đoàn đã nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống bộ đội Tây Nguyên, đoàn kết một lòng, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn thử thách, xây dựng binh đoàn tiến bộ toàn diện.

ĐỨC TRUNG

Sau khi Sở Chỉ huy Quân đoàn 3 từ Tây Nguyên chuyển về Củ Chi, ngay trong đêm 28-4, Bộ Tư lệnh quân đoàn do Thiếu tướng Vũ Lăng làm Tư lệnh và Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm chính ủy đã đề ra kế hoạch tấn công. Bộ Tư lệnh quân đoàn đã quyết định – đánh chiếm Cầu Bông, cầu Xáng và bàn đạp Hóc Môn để Sư đoàn 320A siết chặt vòng vây căn cứ Đồng Dù, nhốt chặt Sư đoàn 25 ngụy và bắt đầu cuộc tiến công của Binh đoàn Tây Nguyên theo hướng Tây Bắc vào Sài Gòn và hiệp điểm cùng các đơn vị khác tại Dinh Độc Lập.

Theo hiệp đồng chung, Sư đoàn 320A chỉ được phép dứt điểm căn cứ Đồng Dù trong thời gian từ 5 giờ 30 đến 10 giờ 30. Đồng Dù là một căn cứ lớn được Sư đoàn 25 ngụy, một đơn vị mạnh của địch trấn giữ nên để thực hiện yêu cầu – chỉ được phép đánh thắng trong thời gian ngắn là không dễ nên Bộ Tư lệnh quân đoàn phân công đồng chí Nguyễn Kim Tuấn, Phó Tư lệnh Quân đoàn trực tiếp chỉ huy trận đánh này. Đúng 5 giờ 30 ngày 29-4, Sư đoàn 320A nổ súng tiến công căn cứ Đồng Dù. Trong thời điểm Sư đoàn 320A đánh Đồng Dù thì Sư đoàn 316 đã tiến công chiếm chi khu Trảng Bàng.

Các cánh quân khác của Quân đoàn 3 đã liên tiếp chiếm các vị trí chiến lược theo kế hoạch: Sau 50 phút đánh áp sát, Tiểu đoàn 20 Đại đội 10 đã tiêu diệt địch đánh chiếm Cầu Bông. Sau 30 phút chiến đấu quyết liệt, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn đặc công 198 và Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 64) đã làm chủ cầu Xáng. Trong ngày 29-4, theo tiêu lộ do công binh cắm sẵn hai trục đường 5 và 6, xe ủi đất đi trước húc tung các bờ ruộng, ụ đất mở đường cho xe tăng và xe chở quân đi vào Sài Gòn. 347 xe các loại chở Sư đoàn 10 tươi lá ngụy trang, cắm cờ Tổ quốc, cờ hai màu xanh – đỏ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam theo đội hình hàng dọc nối nhau băng băng đi qua những cánh đồng Củ Chi, theo hướng Sài Gòn mà xốc tới.

17 giờ ngày 29-4, đội hình thọc sâu binh chủng hợp thành Trung đoàn 24 vượt cầu Tham Lương và tiến về áp sát ngã tư Bảy Hiền. Đến 21 giờ ngày 29-4, Trung đoàn 24 là mũi thọc sâu vào Sài Gòn sớm nhất của cánh quân hướng Tây Bắc.

Ngày 30-4-1975. 9 giờ 30 Sư đoàn 10 đã đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. 11 giờ đại đội 1 (Tiểu đoàn 1) và Đại đội 6 (Tiểu đoàn 2) Trung đoàn 48 đã làm chủ Sở Chỉ huy Sư đoàn 25 ngụy trong căn cứ Đồng Dù. Các điểm khác, Quân đoàn 3 đã tiến chiếm theo kế hoạch và họ cùng tiến về Sài Gòn.

Sau 1 ngày tiến công quyết liệt, Quân đoàn 3 đã đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch ở hướng Tây Bắc Sài Gòn với chiều dài 40km.

Đường vào Sài Gòn từ hướng Tây Bắc đã mở.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải – Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên cho biết, ra đời và lớn lên từ cao nguyên hùng vĩ, mang sức mạnh của Tây Nguyên, binh đoàn đã làm nên những chiến công hiển hách, những chiến thắng vang lừng từ Nam ra Bắc. Từ ngày trở lại Tây Nguyên, Binh đoàn Tây Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương chủ động triển khai nhiều hình thức, biện pháp dân vận đạt hiệu quả tốt. Binh đoàn đã đưa hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ, hàng ngàn tổ, đội công tác về với các buôn, làng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới. Từ đây mối quan hệ đoàn kết máu thịt quân dân ngày càng bền chặt, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng người dân Tây Nguyên, như lời câu thơ:

Tây Nguyên ai một lần qua đó
Suốt cuộc đời nghĩ lại vẫn thương nhau.

Bài 1: Quân đoàn 1 mở cửa hướng Bắc
Bài 2: Quân đoàn 2 tiến về Sài Gòn từ hướng Đông Nam

SGGP Online

5 cánh quân giải phóng Sài Gòn (Bài 4)

Những bước chân thần tốc

Chấp hành chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị, từ 5 hướng, quân ta rầm rập tiến về bao vây cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn – Gia Định. Những binh đoàn từ Bắc, Trị Thiên đến Tây Nguyên và Khu 5 nườm nượp lên đường. Từng binh đoàn xuất phát từ nhiều địa bàn và những thời điểm khác nhau, đi trên nhiều trục đường và bằng nhiều phương tiện nhưng tất cả đều hành quân về Sài Gòn với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa”. Có đơn vị vừa đi vừa đánh địch để mở đường, có đơn vị vượt cung tăng trạm; tất cả đều thi đua tiến nhanh về Sài Gòn.

Ở hướng Đông, Quân đoàn 4 với các Sư đoàn 6, 7, 341, Lữ đoàn bộ binh 52, một tiểu đoàn pháo 130mm, một trung đoàn và một tiểu đoàn phòng không hỗn hợp cùng 3 tiểu đoàn xe tăng – thiết giáp với quân số khoảng 30.000 người, đã tiến về Sài Gòn bằng những bước chân thần tốc.

Từ hướng Tây Nam, Đoàn 232 do đích thân đồng chí Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh Miền trực tiếp chỉ huy không chỉ thực hiện nhiệm vụ tiến chiếm các mục tiêu trước khi tiến vào đánh chiếm Bộ Tư lệnh Biệt khu thủ đô, Tổng nha Cảnh sát Quốc gia… mà Đoàn 232 còn thực hiện nhiệm vụ – cắt đứt đường 4 (ở Bến Lức, ngã 3 Trung Lương) chiếm Tân An, Mỹ Tho để chia cắt hoàn toàn Sài Gòn với miền Tây Nam bộ, không cho quân ngụy ở Sài Gòn rút về đồng bằng sông Cửu Long, đập tan kế hoạch “tử thủ” tại Quân khu 4 của quân đội VNCH.

Và từ 5 hướng, các đoàn quân Giải phóng như 5 cánh sao đã tiến về giải phóng Sài Gòn, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước Việt Nam.

  • Quân đoàn 4: 80 giờ tiến vào Sài Gòn

Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh, khi đó là Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 rất xúc động khi nói về cánh quân phía Đông đánh vào Hố Nai, Biên Hòa rồi tiến công giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cách đây tròn 35 năm. Ông nhớ lại: Nhiệm vụ của Quân đoàn 4 là đánh chiếm khu vực Biên Hòa-Hố Nai (gồm cả Sở Chỉ huy Quân lực Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và sân bay Biên Hòa), tiến về Sài Gòn chiếm các quận 1, 2, 3, Bộ Tư lệnh Hải quân VNCH, Bộ Quốc phòng VNCH, Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH, Đài Phát thanh Sài Gòn.

Muốn về Biên Hòa-Hố Nai thì phải đi qua chi khu Trảng Bom để mở đường số 1, Bộ Tư lệnh và Đảng ủy Quân đoàn 4 quyết định cử Sư đoàn 341 đánh chiếm Trảng Bom, sau đó mới đánh không quân ngụy và sân bay Biên Hòa; cử Sư đoàn 6 đánh chiếm căn cứ Quân đoàn 3 ngụy và Tiểu khu Biên Hòa. Hai sư đoàn trên làm nhiệm vụ mở cửa cho Sư đoàn 7 thọc sâu đánh thẳng Sài Gòn, chiếm Dinh Độc Lập!

4 giờ 7 sáng 27-4, khi chúng tôi phát lệnh tấn công Trảng Bom, Suối Đỉa và Long Đạt thì tướng Lê Minh Đảo (Tư lệnh Sư đoàn 18 ngụy) đã điều Chiến đoàn 52 (có 8 xe tăng yểm hộ) đánh vào đội hình tấn công của Sư đoàn 7 nhưng lại bị Sư đoàn 341 tấn công lại. Các pháo thủ bắn cháy 4 xe tăng địch.

Giằng co đến 8 giờ 30 sáng, quân ta chiếm được chi khu Trảng Bom và bắt gần 500 sĩ quan, binh sĩ VNCH làm tù binh. 9 giờ sáng, số quân còn lại của địch rút từ Trảng Bom về Suối Đỉa lại bị quân ta phục kích hai bên đường. Hơn 2.000 quân và gần 100 xe các loại bị Sư đoàn 341 của ta tiêu diệt-bắt giữ.

Trung đoàn 24, Quân khu 8 làm chủ Bộ Tư lệnh cảnh sát ngụy

Trên hướng thọc sâu, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) phát triển đến Hố Nai thì phải dừng lại để phối hợp với Sư đoàn 341 và Sư đoàn 6 thực hiện đòn tấn công tổng hợp vào các lực lượng của Lữ đoàn 3 thiết giáp và Lữ đoàn dù 4 – của quân đội VNCH… Chiều 28-4, bộ phận thông tin của ta bắt được mẩu đối thoại của địch: “Đường 15 bị cắt rồi, Việt cộng chiếm Trảng Bom, Long Thành, pháo kích Long Bình, tôi định di chuyển về Gò Vấp”, Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy nói.

Từ tình hình trên, Tư lệnh Quân đoàn 4 Thiếu tướng Hoàng Cầm ra lệnh dồn sức đánh mạnh các điểm địch co cụm trong khi Sư đoàn 7 tranh thủ tiến sát Hố Nai. Tuy nhiên tàn quân địch vẫn lẩn trốn, trà trộn vào dân và dùng tiểu liên M.16, M.79, M.72 bắn thẳng vào đội hình của quân ta khiến Sư đoàn 7 phải mất thêm thời gian tổ chức chiến đấu tiêu diệt địch.

Ngày 29-4, khi nhận được tin Sở Chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy chạy về Gò Vấp, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 thống nhất chỉ đạo Sư đoàn 6 bỏ các vị trí ở Hố Nai, chiếm cầu và chốt giữ đầu cầu sắt; Sư đoàn 341 đánh chiếm sân bay Biên Hòa còn Sư đoàn 7 phải đột phá đi qua ngã ba Tam Hiệp, đưa đội hình vượt sông Đồng Nai trong đêm.

4 giờ sáng 30-4, Sư đoàn 7 tiến đến được cầu sắt xe lửa Biên Hòa nhưng xe tăng của sư đoàn không qua được vì cầu yếu. Vì vậy, Thiếu tướng Hoàng Cầm đã xin ý kiến Bộ Chỉ huy chiến dịch và chỉ đạo Sư đoàn 6 làm nhiệm vụ truy quét tàn quân địch và tiếp quản thị xã Biên Hòa. Sư đoàn 341 chuyển quân lên xe tải để vượt cầu sắt xe lửa vào chiếm các mục tiêu theo kế hoạch (quận Gò Vấp, quận 3, quận 10). Riêng Sư đoàn 7 quay trở ra đường xa lộ tiến vào mục tiêu quận 1.

8 giờ sáng 30-4, 4 xe tăng của Sư đoàn 7 tiến vào Sài Gòn. Một cán bộ cách mạng của ta (vừa được Sư đoàn 7 giải thoát khỏi nhà tù Tam Hiệp) ngồi trên chiếc xe đi đầu, chỉ đường cho quân ta tiến vào Sài Gòn. Đoàn xe tăng của Sư đoàn 7 theo đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) và đi tới Dinh Độc Lập lúc 12 giờ 30. Tất cả chúng tôi đều hạnh phúc rơi nước mắt sau 80 giờ tiến công nghẹt thở vào Sài Gòn!

  • Đoàn 232 – Kế hoạch cuối cùng

Đoàn 232 được thành lập vào tháng 2 năm 1975, gồm Sư đoàn 3, Sư đoàn 5 và Sư đoàn 9 cùng một số đơn vị binh chủng khác hợp thành. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh đoàn là đồng chí Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà); Chính ủy đoàn là đồng chí Lê Văn Tưởng (Hai Chân); đồng chí Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh Miền, trực tiếp chỉ huy các lực lượng trên hướng Tây và Tây Nam tiến vào Sài Gòn, trong đó Đoàn 232 là lực lượng chủ yếu.

Nói về những ngày sôi động này, Thiếu tướng Nguyễn Nam Hưng, Sư đoàn phó Sư đoàn 5, cho biết: “Khoảng 22 giờ ngày 26-4, Sư đoàn 5 mở đầu chiến dịch bằng đòn đánh chia cắt đường số 4 tại khu vực Rạch Chanh, ngã ba Nhị Thành, ấp Bình Yên, Phú Mỹ và áp sát thị xã Tân An, chi khu Thủ Thừa tỉnh Long An. Ngày 27-4, Sư đoàn 5 đã cắt hẳn đường số 4 tại 2 đoạn từ Bắc Tân An đến Bến Lức và từ Nam Tân An đến Tân Hiệp. Tiểu khu Hậu Nghĩa và các chi khu Đức Hòa, Đức Huệ đã bị quân ta đánh chiếm. Các trung đoàn đặc công đã tập kích các chốt Bà Hom, Vĩnh Lộc, căn cứ ra đa Phú Lâm”.

Cùng lúc này, lệnh nổi dậy của Ban Chỉ huy chiến dịch đã chỉ đạo đến lực lượng bộ đội địa phương “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện và tỉnh giải phóng tỉnh”. Dọc sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, bộ đội địa phương đã đưa một lực lượng thọc sâu, tấn công thành phố Mỹ Tho, cắt đứt hoàn toàn đường số 4, cô lập Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long.

Trước sức tấn công như vũ bão của quân ta, Tỉnh trưởng tỉnh Long An gọi điện cho tướng Nguyễn Khoa Nam xin lệnh phá cầu Tân An và Bến Lức, nhưng tướng Nam không đồng ý do các cây cầu này dùng cho kế hoạch – nếu mất Sài Gòn thì Bộ Tổng Tham mưu Quân lực VNCH sẽ rút qua cầu về đồng bằng sông Cửu Long.

Đô đốc Chung Tấn Cang cũng dành riêng một chiến hạm để di tản Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về Cần Thơ bằng đường biển. Các tướng ngụy Lê Văn Hưng, Lê Minh Đảo cũng đặt hy vọng vào việc biến Vùng 4 chiến thuật thành căn cứ để kéo dài cuộc chiến tranh. Nhưng, kế hoạch đó đã hoàn toàn bị phá sản.

  • Chiến dịch không có đêm ngày!

Nhắc về sự sôi động của các cánh quân thần tốc tiến về Sài Gòn trong những ngày tháng 4 lịch sử, Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết: “Lúc đó, tôi là Trưởng phòng Tác chiến của B2 mà sau đó khi chuyển qua chiến dịch Hồ Chí Minh thì tôi cũng là Trưởng phòng Tác chiến của chiến dịch. Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh đóng tại Căm Xe. Thú thực không khí lúc đó tại Phòng Tác chiến rất căng thẳng và sôi động. Với quyết tâm của Bộ Chính trị – 20 ngày bằng 20 năm – thì lúc đó tại Bộ Chỉ huy không có khái niệm đêm hay ngày mà phải làm sao đảm bảo cho chiến dịch thành công. Từ ngày 26-4 trở đi không khí càng thêm căng thẳng.

Tại Sở Chỉ huy nhưng chúng tôi lúc nào cũng di chuyển, di chuyển liên tục trên bản đồ theo sự di chuyển của bộ đội ngoài chiến trận. Nói thì rất dễ, nhưng thực hiện khó khăn lắm. Chúng ta phải làm sao đánh thắng từng cửa, từng trận. Và, chiến thắng đường 4 đã cắt đường rút chạy của địch về đồng bằng sông Cửu Long cũng như chặn cửa không cho quân địch từ miền Tây lên tiếp ứng là thành công mang tính chiến lược!”.

Sự phối hợp các lực lượng, quân binh chủng, quân chủ lực và quân dân địa phương đã tạo hiệu quả bước đầu. Ngày 27-4, đồng chí Bùi Văn Trữ (tức Sáu Nhẫn), Phó Phòng Công binh Miền đã chỉ huy CB-CS kết hợp cùng đồng bào địa phương huy động phương tiện tại chỗ tạo đường dẫn vượt sình lầy và làm cầu phà dã chiến đưa phương tiện cơ giới, xe tăng, pháo của Đoàn 232 vượt sông Vàm Cỏ Đông tấn công vùng Mỹ Hạnh, Đức Hòa để theo lộ 10 tiến về Sài Gòn.

Tại một khu vực khác, đơn vị do đồng chí Phan Trung Kiên (nay là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) chỉ huy đã giải phóng Đồn Trường học ở Đức Lập Hạ, Đồn Giồng Dầu ở Mỹ Hạnh Bắc (tỉnh Long An) mở đường cho Đoàn 232 tiến về giải phóng Sài Gòn.

Đồng chí Phan Trung Kiên, cho biết: “Sau khi chiếm các đồn nêu trên thì cánh quân của ông tiếp tục qua đường số 9, rừng Bà Dụ đánh chiếm Đồn Nhà Tô, Phân chi khu Xuân Thới Thượng, một phần chi khu Xuân Thới Sơn. Bằng mọi giá phải đón đánh ngụy quân tháo chạy và không cho chúng qua kênh Thầy Cai về Sài Gòn”.

Khoảng 3 giờ 40 ngày 29-4, đơn vị của đồng chí Phan Trung Kiên nổ súng tấn công Phân chi khu Xuân Thới Thượng. Địch kháng cự quyết liệt và chạy dồn vào Đồn Nhà Tô cố thủ. Đơn vị tiếp tục vây ép, dùng loa kêu gọi địch đầu hàng, bọn biệt động quân thoát ra, lọt vào trận địa phục kích của ta và bị tiêu diệt gần hết. Trận đánh kết thúc lúc 14 giờ 40, ngày 29-4 ta làm chủ hoàn toàn khu vực.

Trong thời gian này, Sư đoàn 9 đảm nhận mũi tiến công chủ yếu của Đoàn 232 theo đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám) tấn công Bộ Tư lệnh Biệt khu thủ đô. Các ngã đường dẫn đến Bộ Tư lệnh Biệt khu thủ đô đã bị quân giải phóng bao vây. Không còn con đường nào khác, khoảng 10 giờ 30 ngày 30-4-1975, tướng Lâm Văn Phát, Tư lệnh Biệt khu thủ đô dẫn các thuộc cấp ra đầu hàng và kêu gọi sĩ quan, binh sĩ thuộc quyền hạ vũ khí đầu hàng.

M.ANH – Đ.HIỆP

Bài 1: Quân đoàn 1 mở cửa hướng Bắc
Bài 2: Quân đoàn 2 tiến về Sài Gòn từ hướng Đông Nam
Bài 3: “Quả đấm thép” – ngày ấy… bây giờ

SGGP Online

Trong tác phẩm Đường kách mệnh, Hồ Chí Minh khẳng định: trong thế giới bây giờ chỉ có kách mệnh Nga là thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng hạnh phúc, tự do bình đẳng thật sự. Kách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ, rồi lại ra sức cho công nông các nước và các dân tộc bị áp bức, các thuộc địa làm kách mệnh để lật đổ tất cả đế quốc và tư bản chủ nghĩa trên thế giới.

5 cánh quân giải phóng Sài Gòn (Bài 5)

Lực lượng nội đô khởi nghĩa

Cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân và thanh niên thành phố trong giai đoạn chống Mỹ hết sức vĩ đại, phong phú và đa dạng. Mỗi thời điểm đấu tranh, mỗi sự kiện phong trào đều là những nét tiêu biểu của truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân và thanh niên thành phố. Trong cuộc chiến giành độc lập, tuổi trẻ Sài Gòn – Gia Định đã góp phần không nhỏ làm nên những chiến thắng vẻ vang cho đất nước. Chiến thắng 30-4-1975 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy ấy đã có sự đóng góp của lực lượng nội đô do Thành đoàn phát động và lãnh đạo. Đội quân đặc biệt ấy có nhiệm vụ cũng đặc biệt và không kém phần quan trọng trong giải phóng Sài Gòn. Tiến công quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng đã tạo nên sức mạnh to lớn dẫn đến chiến thắng lịch sử 30-4-1975.

  • Chuyện ngày xưa

Chúng tôi gặp chị Trương Mỹ Lệ (bí danh Tư Liêm) trong thời khắc cả nước đang nôn nao chờ đón ngày lễ lớn 30-4 và 1-5. Và câu chuyện về ngày xưa đã được chị kể lại:

Khoảng cuối tháng 3-1975, đồng chí Mai Chí Thọ triệu tập tôi lên làm việc và hỏi: “Nếu khởi nghĩa nổ ra, liệu lực lượng, sinh viên học sinh (SV-HS) trong nội thành có khả năng phát động khởi nghĩa ở những nơi nào?”.

Tôi trả lời: “Thưa, lực lượng SV-HS tại các trường đại học, những tổ chức công khai và bán công khai có thể phát động khởi nghĩa ở 5 khu vực: Khu 1 gồm: Ngã bảy, Bàn Cờ, Vườn Chuối (thuộc quận 3) sẽ do lực lượng SV-HS ở các trường: Kỹ thuật Cao thắng, Trường Pétrus Ký, Trường nữ Trung học Gia Long, Đại học Vạn Hạnh phụ trách.

Khu vực 2 gồm: Cầu Khánh Hội, Xóm Chiếu thuộc quận 4, sẽ do lực lượng tại các trường Đại học Y, Nha, Dược và Trường Trung học Nguyễn Trãi phụ trách. Còn khu cầu Kiệu và các địa bàn ở Phú Nhuận (khu vực 3) sẽ do đoàn Công tác Xã hội SV-HS Sài Gòn phụ trách. Riêng khu Tân Phú, Tân Sơn, Bà Điểm thuộc quận Tân Bình (khu vực 5) là khu quy tụ nhiều đồng bào công giáo sẽ do một số sơ và cha xứ cùng với cơ sở cách mạng của ta phụ trách.

Bà Trương Mỹ Lệ (đứng thứ 2, hàng trước, từ phải sang) cùng các cán bộ Thành đoàn trở lại thăm cơ sở cũ trong nội thành. Ảnh: M.L.

Nghe tôi trình bày xong, đồng chí Mai Chí Thọ có vẻ yên tâm. Nhiệm vụ của cấp trên đề ra là: Khi nổ ra khởi nghĩa, lực lượng cán bộ, HS-SV trong nội đô phải trở về các khu dân cư để làm nhiệm vụ phát động quần chúng cùng đứng lên khởi nghĩa. Rút kinh nghiệm xương máu từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, các đồng chí lãnh đạo yêu cầu lực lượng nội thành của ta phải có khả năng gần gũi và gắn kết được với quần chúng nhân dân ở từng khu vực để trong trường hợp khởi nghĩa không thể giành thắng lợi nhanh chóng, quân ta không bị đánh bật ra ngoài và dễ dàng bị tiêu diệt. Do vậy, 5 cánh quân của Thành đoàn phải được chọn lọc rất kỹ. Thời gian này, Thành đoàn “cài cắm” lại trong nội đô 5 người là các anh: Nguyễn Chơn Trung, Lê Công Giàu và các chị: Nguyễn Thị Nghĩa, Trần Thị Ngọc Hảo và Trương Mỹ Lệ (Thường vụ Thành đoàn, chỉ huy cánh quân bám trụ nội đô).

3 đồng chí nữ nhận nhiệm vụ bám trụ nội thành để chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa với rất nhiều thứ, dự phòng cho mọi trường hợp có thể xảy ra, từ truyền đơn, lương thực, thực phẩm như khô, gạo, mắm, muối, dụng cụ y tế, thuốc men… Để có cờ giải phóng, chúng tôi phải chuẩn bị sẵn vải đỏ, vải xanh, vải vàng và mua mỗi nơi một màu, để tránh giặc nghi ngờ mỗi nhà chỉ trữ 1 màu vải. Ngoài ra, mỗi khu vực cũng được chuẩn bị sẵn một máy ghi âm để thu lời kêu gọi binh lính và thu sẵn chính sách của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Và, theo lệnh cấp trên chỉ đạo – khi khởi nghĩa nổ ra, chúng tôi phải phát băng kêu gọi ngay để yên dân. Sở chỉ huy của lực lượng nội đô đặt tại nhà số 115 đường Bàn Cờ gọi là “điểm nút” bởi đó là nơi giao liên sẽ nhận và truyền đạt mệnh lệnh từ cấp trên và chuyển về các khu vực khác thuận tiện nhất.

Lực lượng nội đô chưa biết bao giờ chiến dịch bắt đầu, thời điểm nào khởi nghĩa, nhưng qua thông tin từ nút giao liên, chỉ huy các cánh quân đều hiểu: ngày tổng tiến công và nổi dậy đang rất gần.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, phụ trách khu vực 5 (khu vực Tân Bình), cho biết: “Khu vực của tôi là phía Đông Bắc Sài Gòn. Nơi đây có khá nhiều đơn vị quan trọng, đồn bót của lính ngụy. Ở đây phần đông bà con lao động nghèo, cùng với việc vận động bà con chuẩn bị nổi dậy khởi nghĩa thì chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ của bà con giáo dân, một số quân nhân có cảm tình với cách mạng nên công tác chuẩn bị cũng thuận lợi”.

  • Một ngày bằng 20 năm

Trong thời gian từ 27 đến 29-4, tình hình trong nội thành rất căng thẳng. Hôm phi công Nguyễn Thành Trung ném bom dinh Độc Lập, chính quyền Sài Gòn ban bố khẩn cấp lệnh giới nghiêm, khiến nhiều cán bộ đi công tác không thể trở về Sở chỉ huy. Để đảm bảo cho hoạt động thông suốt, lực lượng nội đô có một tổ giao liên mà hầu hết là các chị. Và, thông tin liên lạc khi ấy chỉ là truyền khẩu, tuyệt không ai mang mảnh giấy thông tin nào trong người để tránh mọi bất trắc khi lỡ bị địch bắt.

Những ngày giữa tháng 4, lực lượng nội đô của Thành đoàn tích cực may cờ, vẽ khẩu hiệu tuyên truyền, in truyền đơn, đêm thì đi rải truyền đơn, la cà đến các nhà dân qua đó thăm dò tình hình của địch và tìm cách giải thích các chính sách của chính quyền cách mạng đối với vùng mới giải phóng.

Thông tin chiến thắng của 5 cánh quân chủ lực từ 5 hướng tiến rùng rùng về Sài Gòn đã khiến lực lượng nổi dậy của Thành đoàn càng hăng hái làm việc với tinh thần “1 ngày bằng 20 năm”. Để che mắt địch, những túi truyền đơn, những xấp vải may cờ được xuất phát từ khu vực Khánh Hội – Xóm Chiếu do các sinh viên trường Y, Nha, Dược phụ trách. Các sinh viên ngành y, dược và các túi tài liệu đã thoát qua sự kiểm soát của địch khá dễ dàng do trước đó, anh em sinh viên đã tham gia công tác xã hội rồi, nên đêm đêm chúng tôi chộn rộn đi lại chuyển tài liệu thì quân lính cứ nghĩ là anh em sinh viên làm công tác xã hội.

Sáng 30-4, lúc gần 10 giờ, cô Út Phượng, giao liên, thông báo lệnh của anh Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) cho chị Trương Mỹ Lệ: “Anh Năm Nghị chỉ đạo chị Tư phải cho khởi nghĩa ngay”. Nhận lệnh, chị Tư Liêm lập tức triển khai khởi nghĩa tại khu vực 1 ở Bàn Cờ. Ngay lập tức, lệnh khởi nghĩa được truyền đi. Chị Tư Liêm chỉ đạo cho anh em ráp cờ và treo ngay tại số nhà 115 đường Bàn Cờ. Các băng rôn chào mừng quân giải phóng cũng được căng ra đỏ căn nhà ấy và đỏ các con đường, con hẻm của khu Bàn Cờ. Anh em đeo băng đỏ lực lượng vũ trang nội thành Sài Gòn – Gia Định đi vận động bà con khởi nghĩa. Bà con rất ngạc nhiên, nhưng vẫn hưởng ứng dù khi ấy các cánh quân chủ lực chưa vào đến Dinh Độc Lập, Đài phát thanh vẫn còn phát đi những thông tin của chính quyền cũ.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, nhớ lại: “Đêm 29-4, khi thấy quân giải phóng xuất hiện ở cầu Tham Lương thì chúng tôi đã treo cờ. Các má, các dì, các chị tiểu thương mua bán ở các chợ cũng đồng loạt treo cờ giải phóng. 8 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, chúng tôi mượn loa của Nhà thờ Tân Hương tổ chức phát lời kêu gọi. Cuộc nổi dậy khởi nghĩa đã thành công tốt đẹp, không máu đổ. Đến bây giờ tôi càng thấm thía những bài học về công tác dân vận của ta”. Tại quận 4, cờ giải phóng đã được treo rợp trời trước khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Căn nhà số 115 Bàn Cờ, nơi lực lượng Thành đoàn treo lá cờ giải phóng đầu tiên.

Bà Trần Thị Ngọc Hảo (phụ trách khu vực 2) không giấu cảm xúc: “Vùng đất quận 4 nổi tiếng là vùng đất dữ. Do vậy, đêm 30-4-1975, chúng tôi rất lo lắng. Bọn du đãng lợi dụng thanh toán nhau thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, do vậy, anh em chúng tôi đã chia nhau đi tuần tra để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh tình hình!”.

****

Sáng 30-4-1975, anh Phạm Chánh Trực cùng một cánh quân khác của Thành đoàn đã tiếp quản Tòa hành chánh quận 11.

Ngày 30-4-1975, 5 cánh quân khởi nghĩa trong nội thành đã lần lượt tiếp quản các đơn vị hành chánh và chuẩn bị đón đoàn quân Giải phóng từ 5 hướng tiến vào Sài Gòn. 5 cánh quân của Thành đoàn đã thực hiện nhiệm vụ chính quyền lâm thời tại cơ sở trong việc giữ gìn, bảo vệ an ninh trật tự tại chỗ để ngày hôm sau chuyển giao lại cho lực lượng quân quản. Và từ 5 hướng khác nhau, các anh chị trong lực lượng nội đô Sài Gòn – Gia Định đã cùng nhau họp mặt tại “tổng hành dinh” của Thành đoàn – số 4 đường Duy Tân mà nay là Nhà văn hóa Thanh Niên TP Hồ Chí Minh để mừng ngày chiến thắng của toàn dân tộc Việt Nam.

MAI HƯƠNG – ĐOÀN HIỆP

Bài 1: Quân đoàn 1 mở cửa hướng Bắc
Bài 2: Quân đoàn 2 tiến về Sài Gòn từ hướng Đông Nam
Bài 3: “Quả đấm thép” – ngày ấy… bây giờ
Bài 4: Những bước chân thần tốc

SGGP Online

Đường đến Dinh Độc Lập

Lần đầu tiên trong lịch sử, đặc công – lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội nhân dân Việt Nam – được huy động tham gia đông đảo nhất vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, mở đường cho đại quân giải phóng Sài Gòn.

  • Bất ngờ ba mũi giáp công

Chiếc xe tăng đầu tiên (xe 390) của quân giải phóng húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975.

Ngày 1-4-1975, tôi nhận quyết định của Bộ chỉ huy Miền (R) giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng cánh Đông của lực lượng đặc công miền. Nhiệm vụ: bằng mọi giá phải chiếm giữ được 14 cầu và 6 căn cứ lớn của địch án ngữ cửa ngõ Sài Gòn, Vũng Tàu; đánh phá sân bay Tân Sơn Nhất, một số mục tiêu nội đô… để các binh đoàn chủ lực tiến vào Sài Gòn.

Ngày 8-4-1975, nhiệm vụ cụ thể được giao cho từng đơn vị. Trung đoàn 113 (E113) phối hợp Quân đoàn 4 đánh chiếm sân bay Biên Hoà, Bộ Tư lệnh quân đoàn 3 của ngụy và giữ các cầu khu vực Cù lao Phố. Trung đoàn 116 (E116) phối hợp với Quân đoàn 2 đánh chiếm cầu Đồng Nai. Trung đoàn 10 (E10, đặc công rừng Sác) đánh chiếm Tổng kho Xăng Nhà Bè…

Đúng 16 giờ ngày 26-4-1975, Quân đoàn 2 nổ súng đánh chiếm thị trấn Long Thành. Đây là trận hiệp đồng giữa binh chủng pháo binh xe tăng và bộ binh. Trong nửa giờ, thị trấn Long Thành chìm trong bão lửa. Ở các hướng khác, quân ta đều đồng loạt tấn công: E116 đánh chiếm xã Long Hưng, An Hoà và chiếm cảng Long Bình Tân ở phía Đông cầu Đồng Nai; mũi khác đột kích sân bay Biên Hòa.

Bị bất ngờ, từng đoàn trực thăng của địch cất cánh quần đảo trong rối loạn. Nhân cơ hội, Tiểu đoàn 19 đặc công thọc nhanh đánh chiếm phía đông đầu cầu Đồng Nai và tổ chức công sự để đánh chiếm căn cứ hải quân của địch. Mặc dù pháo địch từ Liên Trường (nơi đào tạo sĩ quan của ngụy, khu vực phường Tăng Nhơn Phú, quận 9 hiện nay) bắn phá dữ dội với ý định tử thủ để ngăn quân ta, nhưng cuối cùng yếu dần.

  • Mở đường tiến về Sài Gòn

Chúng tôi nhận định: “Địch đang rối loạn tột độ về tinh thần lẫn tổ chức”. Vì vậy, khoảng 2 giờ sáng 30-4, đơn vị xe tăng (sử dụng các loại súng 12 ly 8 trở xuống) của Quân đoàn 2 từ Bến Gỗ tiếp tục nhả đạn về phía tổng kho Long Bình. Cùng lúc, Tiểu đoàn 25 và Tiểu đoàn 40 đặc công đánh thọc sâu vào tổng kho.

Khi xe tăng của ta đến ngã 3 Vũng Tàu thì bất ngờ pháo địch kích dữ dội, phải lui lại để lựa thế tấn công. Một tiếng sau, pháo địch im hẳn. Thay vào đó là tiếng xe chạy.

– Ở đây đồng chí nào là chỉ huy cao nhất? -Tôi hỏi.
– Có đồng chí Tài, Lữ trưởng xe tăng 203 của Quân đoàn.

Trên xe, ngoài đồng chí Tài còn có đồng chí Tám Sĩ (Võ Tấn Sĩ), Sáu Trực, là Trung đoàn trưởng và Chính ủy E116. Tôi hỏi: “Ý định của Quân đoàn thế nào?”. Tài nói: “Thần tốc tiến công, trong ngày nay phải đến Dinh Độc Lập…”. Tôi nói ngay: “Tôi trước kia là tình báo quân sự, nhiều năm sống ở Sài Gòn nên đường sá và các căn cứ địch đều biết rõ. Đồng chí yên tâm, tôi sẽ cho đặc công ngồi trên xe tăng tấn công ngay, nếu chậm sẽ mất thời cơ!”. Đồng chí Tám Sĩ bổ sung: “Trung đoàn tôi mạnh, có kinh nghiệm chiến đấu sâu trong hậu cứ địch và cũng quen lối đánh bộ binh”.

Đồng chí Tài suy nghĩ một hồi, cuối cùng đồng ý. Chúng tôi thống nhất để lại một tiểu đội đặc công thủy làm nhiệm vụ giữ cầu, đề phòng địch chống trả.

Đúng 6 giờ sáng 30-4-1975, ban chỉ huy lệnh cho xe tăng, đặc công vượt cầu. Từ Liên Trường, địch bất ngờ pháo kích khiến 8 chiến sĩ pháo cao xạ đi cùng xe tăng của ta hy sinh. Ngay lập tức, tôi hướng dẫn xe tăng bắn trả. Tiếng pháo địch yếu dần. 30 phút sau ta chiếm được căn cứ. Phía địch, một số tử trận, số khác chạy tán loạn về phía 6 xã đồng bưng.

  • Những giờ phút lịch sử

9 giờ sáng 30-4, đoàn xe chúng tôi chờm đến cầu Rạch Chiếc – chốt cố thủ cuối cùng của địch. Đồng chí Trần Kim Thinh, Chỉ huy phó đơn vị đánh cầu Rạch Chiếc báo cáo: “Đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ giữ cầu, nhưng tổn thất không nhỏ!”.

Sau khi thua ta ở các mặt trận Phước Long, Buôn Ma Thuột, Long Khánh, địch dồn quân về đây phòng thủ, vì chúng cho rằng, nếu cầu Rạch Chiếc thất thủ, Bộ tư lệnh Hải quân và các đầu não khác tại Sài Gòn sẽ cũng chung số phận. Do vậy, 2 bên đầu cầu chúng bố trí dày đặc các lô cốt, hầm ngầm, công sự, hàng rào mìn và hệ thống đèn pha cực mạnh, luôn thường trực 420 lính Thủy quân lục chiến, chưa kể hệ thống phòng thủ vòng ngoài bằng một loạt máy bay, tàu chiến.

3 giờ sáng 27-4, các mũi quân xuất kích, tìm mọi cách thâm nhập bằng kỹ thuật đặc công. Tuy nhiên, ngày đầu tiên ta chỉ tiếp cận được hàng rào thứ nhất. Không còn thời gian, rạng sáng sáng 28-4, Ban chỉ huy trận đánh quyết định nổ súng. địch huy động tổng lực phản công. Ta vừa đánh, vừa phải lựa thế để đảm bảo an toàn cho cầu. 2 giờ sáng 30-4, tiếng súng thưa dần, địch chết ngổn ngang, kẻ sống sót hoảng loạn bỏ chạy. Ta chiếm giữ được cầu, nhưng 52 cán bộ chiến sĩ của ta đã hy sinh, nhiều người không còn cả xác.

…Đoàn xe chúng tôi tiếp tục tiến vào nội đô. Trước mặt, bất ngờ 2 chiếc máy bay A 37 từ căn cứ của địch lao đến đầu cầu Sài Gòn trút xuống 9 quả bom. Tuy nhiên, do chúng lúng túng, điểm rơi lại chệch về phía Thảo Điền, gần khu vực Tiểu đoàn 4 Thủ Đức trấn thủ sau khi chiếm giữ được cầu. Nhưng đó là những âm thanh vũ khí cuối cùng của địch.

Đoàn xe của chúng tôi qua cầu và thẳng tiến đến Dinh Độc Lập..

PHẠM TRƯỜNG ghi

(Theo lời kể của Đại tá Anh hùng LLVT Tống Viết Dương, Chỉ huy trưởng cánh Đông lực lượng đặc công)

SGGP Online

Thơ ngày Chiến thắng

QĐND Online – Ngày toàn thắng 30-4-1975 trở thành một dấu mốc quan trọng trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Miền Nam yêu dấu được giải phóng, đất nước Việt Nam thống nhất “từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”. Mở ra một trang sử mới tươi đẹp và thiêng liêng của dân tộc. Trong không khí hân hoan của giờ phút lịch sử ấy, nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại những xúc cảm không thể nào quên:

Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp
Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta
Chúng con đến, xanh ngời ánh thép
Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa.

Cho chúng con giữa Vui này được khóc
Hôn mỗi đứa em, ôm mỗi mẹ già
Như lòng Bác, mỗi khi Bác đọc
Đồng bào miền Nam, mắt kính bỗng nhoà.
(Toàn thắng về ta)

Nếu như những thước phim tư liệu, những tác phẩm nhiếp ảnh, báo chí… ghi lại từng khoảnh khắc chân thực của ngày chiến thắng thì thơ ca lại gợi cho người đọc niềm cảm xúc hân hoan như thể ta đang được đi dưới màu cờ hoa rực rỡ của ngày 30-4 ấy. Chính cảm xúc đã giúp cho những hình ảnh kia luôn có sức sống, tạo ra một sự chuyển động như thể đang diễn ra trước mắt, xoá nhoà khoảng ngăn cách của thời gian.

Xe tăng húc đổ cổng rào và tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu/internet.

Hình ảnh đoàn quân chiến thắng tiến vào thành phố Sài Gòn được nhà thơ tái hiện như một cuộc gặp gỡ của một gia đình ấm cúng. Những “em”, những “mẹ” trong vòng tay của những người con miền Bắc đã nói lên tất cả: Ngày đoàn tụ thiêng liêng nhất của dân tộc là đây. Thời khắc mà vị Cha già kính yêu đã từng mong mỏi, đã từng nhoà nước mắt khi nhắc đến “Đồng bào miền Nam” ruột thịt thân thương.

Cũng với niềm cảm xúc ấy, nhà thơ Bằng Việt, với đôi chân của người phóng viên chiến trường đã theo sát những bước tiến của cuộc Tổng tiến công mùa xuân lịch sử. Dường như không kìm nén được những xúc cảm anh đã thốt lên những câu thơ mộc mạc mà sâu lắng trong đêm 30-4 năm ấy:

Đi giữa phố, khóc cười như trẻ nhỏ…
Cái giây phút một đời người mới có
Thật đây rồi, vẫn cứ nghĩ như mơ.

Niềm vui của người phóng viên trẻ khi được kết tinh trong một câu thơ đầy hứng khởi: “Cái giây phút một đời người mới có”. Giây phút ấy quý giá vô ngần, bỗng dưng lại được trở về hồn nhiên như trẻ nhỏ, bỗng dưng không tin nổi những gì đang chứng kiến bởi chiến thắng ấy kì vĩ như một huyền thoại, lung linh như một giấc mơ.

Nhưng bên cạnh gam màu vui tươi, thơ viết trong ngày toàn thắng còn mang một gam màu trầm lắng, suy tư của thế hệ những người lính luôn ý thức được sứ mệnh của lịch sử:

Ta vào Sài Gòn… theo lời Di chúc
Vào nội ô sáng rực tên Người
Sài Gòn nhìn ta bằng đôi mắt
Ba mươi năm trông ngóng Sài Gòn ơi!
(Nguyễn Bá)

Nhà thơ nhìn thành phố Sài Gòn hoa lệ bằng cái nhìn xuyên thấm của chiều sâu nội cảm. Nhìn thấy đôi mắt của Sài Gòn mỏi mòn trông ngóng từ độ Mậu Thân, đôi mắt chờ mong của nhưng người dân yêu nước và yêu chuộng hoà bình. Ba mươi năm đồng bào ta đã phải chịu bao nhiêu hi sinh vất vả. Giờ đây tất cả đã bừng sáng với tên gọi thiêng liêng: Thành phố Hồ Chí Minh yêu dấu.

Nhắc đến thắng lợi ấy, còn phải nhớ về những gian lao, vất vả, những hi sinh trên chặng đường tiến vào giải phóng Sài Gòn . Nhà thơ Ngô Thế Oanh nhớ đến những đồng đội đã anh dũng ngã xuống không được chứng kiến ngày toàn thắng:

Quân phục đẫm mồ hôi bụi đất
Chiếc bi-đông chuyền tay cứu khát
Những vòm sao cao vút trên đầu
Cụm mây trắng tinh di động về đâu.
Đồng đội của tôi, đồng đội của tôi
Nói gì được nữa đây trong buổi mai toàn thắng.
(Khoảng lặng yên tháng tư)

Người con của miền Bắc hân hoan được gặp những “mẹ”, những “em” của miền Nam ruột thịt bởi niềm vui đất nước được toàn vẹn, niềm vui được nhân lên. Trong khí ấy, những người con miền Nam nghẹn ngào cảm xúc khi được trở về mảnh đất quê hương sau bao ngày xa cách:

Chúng con đi mờ khuất dãy Trường Sơn.
Tôi cúi xuống hôn mảnh đất quê hương
Như hôn người yêu sau ngày xa cách
Tôi không khóc nhưng bỗng trào nước mắt
(Con đã về với mẹ quê hương)

Hình ảnh nước mắt trào lên đôi mắt người chiến sĩ miền Nam thật cảm động và giàu sức gợi. Đó là những gì đã kìm nét suốt ba mươi năm lịch sử để mong ngày đoàn tụ. Là một tinh thần bi tráng được thể hiện trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc. Đã bao lần giặc tàn phá quê hương miền Nam, nhưng người chiến sĩ đã biết kìm nén đau thương để biến nó thành một sức mạnh quật khởi. Và cũng chính sức mạnh ấy đã làm nên một chiến thắng vĩ đại như thế.

Hơn ba mươi năm đã trôi qua. Đọc lại những vần thơ chiến thắng trong ngày 30-4 này chúng ta như được sống lại với cảm xúc và không khí của thời khắc ấy. Những vần thơ đã được khắc ghi trong lòng bạn đọc và sẽ mãi còn được ngân vang như một khúc khải hoàn dưới màu cờ hoa rực rỡ.

Bùi Việt Phương

qdnd.vn

Mặt trận nam Đà nẵng 1975

So sánh lực lượng

Thế bố trí của địch năm 1975, nếu bị đánh mạnh trên toàn miền Nam thì rõ ràng địch không có khả năng tăng viện cho nhau. Với lực lượng tại chỗ tại đồng bằng khu 5, khả năng cao nhất của địch tập trung vào một khu vực nóng là 4-5 trung đoàn bộ binh và 1-2 chi đoàn xe tăng, thiết giáp.

Trong trường hợp buộc phải rút quân dù chi viện cho nơi khác thì khả năng đó còn thấp hơn. Đó là chưa kể yếu tố tâm lý khi “vắng” quân dù, quân đồn trú sẽ rất lo ngại.

Về ta, sau khi sư đoàn 3 vào đánh cắt đường số 19 phối hợp với chiến dịch Tây Nguyên, quân khu 5 đã giao nhiệm vụ đánh địch ở từng chiến trường, chủ lực còn lại gồm 1 sư đoàn, 1 lữ đoàn, 1 trung đoàn và phần lớn binh khí kỹ thuật đều tập trung vào khu trọng điểm chiến dịch (tây Tam Kỳ). Như vậy so sánh lực lượng bộ binh khi bước vào chiến dịch, trên hướng trọng điểm sẽ là ta 1/ địch 1.

Lực lượng quân Ngụy Sài Gòn năm 1975 ở đồng bằng ven biển miền Trung có 4 sư đoàn, 3 liên đoàn biệt động quân, 4 thiết đoàn xe tăng thiết giáp, 16 tiểu đoàn và 5 đại đội pháo (không kể không quân). So sánh lực lượng địch-ta thì về bộ binh, địch 1,9/ta 1; về pháo và xe tăng thiết giáp, địch từ 3-5/ta 1. Nếu tính riêng chiến trường trọng điểm Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi thì về bộ binh, địch 2,2/ta 1. Vấn đề đặt ra làm thế nào để có ưu thế chiến dịch, nhất là phải có ưu thế lực lượng hơn hẳn địch trong các trận đánh then chốt để giành thắng lợi nhanh và gọn.

Hai biện pháp lớn

Để tạo ra ưu thế hơn hẳn địch ở hướng trọng điểm chiến dịch, quân khu đã cho thực hiện hai biện pháp lớn:

Một là, do bị uy hiếp mạnh bởi thế trận của ta tạo ra sau hè – thu 1974, lực lượng chủ lực địch ở ba tỉnh nam quân khu 1 địch buộc phải giãn ra đối phó với ta ở Thượng Đức (Quảng Đà), tây Quế Sơn (Quảng Nam), Nghĩa Hành – Minh Long (Quảng Nghãi) và trên vành đai bảo vệ Đà Nẵng. Quân khu đã chủ động mở trước các chiến dịch tiến công tổng hợp của chiến tranh nhân dân địa phương để nghi binh, kiềm giữ, buộc chủ lực địch phải đối phó với các lực lượng địa phương ta ngay tại khu vực đang đứng chân, tạo điều kiện cho chủ lực ta tập trung trên hướng chủ yếu và bất ngờ tiến công địch.

Hai là, sử dụng các trung đoàn tập trung của Quảng Ngãi tổ chức khu chiến đánh cắt giao thông trên đoạn Đốc Sỏi (giữa Chu Lai và Quảng Ngãi) với nhiệm vụ lức đầu giữ chặt không cho sư đoàn 2 ngụy từ Quảng Ngãi ra ứng cứu cho Tam Kỳ, sau đó theo mệnh lệnh của quân khu mở cửa cho từng trung đoàn địch đi vào khu chiến theo ý định của chiến dịch.

Dùng các tiểu đoàn tập trung của Quảng Nam thọc xuống vùng đông Thăng Bình diệt địch, giành quyền làm chủ, kéo trung đoàn 2 của sư đoàn 3 ngụy xuống và treo chân địch lại ở đó.

Trung đoàn tập trung của Quảng Đà mở khu chiến ở Gò Nổi và đường số 100 diệt địch, tiếp tục kiềm chân sư đoàn 3 (thiếu) của địch tại địa phương.

Tình hình đã diễn ra đúng như ý định chiến dịch của ta: Từ đầu tháng 3 năm 1975, chiến dịch tiến công tổng hợp của các địa phương bắt đầu. Chủ lực địch bị kiềm giữ tại chỗ, ta triển khai lực lượng chiến dịch trên hướng chủ yếu hoàn toàn bí mật bất ngờ.

Ngày 10 tháng 3 năm 1975, trong khi ở nam Tây Nguyên ta tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, thì chủ lực của quân khu 5 với ưu thế lực lượng hơn hẳn địch đã tiến công tiêu diệt và phá vỡ hoàn toàn cụm phòng ngự, cơ bản Tiên Phước – Phương Lâm, lá chắn trực tiếp bảo vệ cho thị xã Tam Kỳ; chiếm giữ và khống chế toàn bộ các điểm cao phía tây Tam Kỳ, hình thành thế trận sẵn sàng đánh tiêu diệt từng trung đoàn chủ lực ngụy vào ứng cứu.

Quân địch hốt hoảng vội vã điều lực lượng về ứng cứu. Nhưng theo đúng kế hoạch, sau khi “thả” cho trung đoàn 5 đi qua, lực lượng địa phương Quảng Ngãi đã khoá chặt lực lượng còn lại của sư đoàn 2 ngụy tại chỗ. Ở Quảng Nam, trung đoàn 2, sư đoàn 3 ngụy vừa rục rịch cơ động cũng bị lực lượng ta kéo xuống vùng đông và giam chân tại đó. Trong lúc đó sư đoàn 3 (thiếu) cũng bị lực lượng Quảng Đà giữ chân lại.

Ngoài trung đoàn 5, sư đoàn 2, quân địch chỉ đưa thêm được đến tây Tam Kỳ liên đoàn 12 biệt động quân. Giờ đây, so sánh lực lượng tại khu trọng điểm chiến dịch trong thời điểm này, về bộ binh, ta 2,5/địch 1. Ta khống chế được địa hình có lợi và dựa vào ưu thế binh lực hơn hẳn địch, ta chủ trương tập trung lực lượng đánh tiêu diệt hoặc đánh thiệt hại nặng làm mất sức chiến đấu từng trung đoàn chủ

lực, tiêu diệt và đánh cạn lực lượng chủ lực cơ động ngụy đi ứng cứu, tạo ra thời cơ trực tiếp giải phóng Tam Kỳ – Quảng Ngãi, thực hiện chia cắt địch về chiến lược đồng bằng ven biển.

Tiến công áp đảo

Ngày 21 tháng 3 năm 1975, sau hơn 6 giờ tiến công áp đảo, ta đã đánh thiệt hại nặng cả trung đoàn 5 và liên đoàn 12 biệt động quân ngụy. Quân địch lại phải vét lực lượng

tăng cường phòng thủ Tam Kỳ nhưng chúng cũng chỉ có thêm được một trung đoàn, vì “cánh cửa” bắc Quảng Ngãi của ta đã khoá chặt sau khi cho trung đoàn 4 ngụy đi qua, trong lúc các đơn vị khác vẫn bị giam chân tại chỗ.
Lúc này tình hình tác chiến chung đang phát triển như vũ bão và rất thuận lợi cho ta. Toàn bộ lực lượng ở Tây Nguyên đã bị tiêu diệt, chủ lực ta từ phía tây đang tràn xuống các tỉnh phía nam quân khu. Ở phía bắc, ta đã giải phóng Quảng Trị và đang từ ba mặt bao vây tiến công địch ở Thừa Thiên Huế.

Tuy chủ trương đánh tiêu diệt lực lượng cơ động ngụy mà chủ yếu là sư đoàn 2 ngụy, mới được thực hiện một phần, nhưng thời cơ đã xuất hiện, việc giải phóng Tam Kỳ, Quảng Ngãi đã trở thành một khả năng thực tế và cấp bách. Toàn bộ lực lượng dự trữ của quân khu được tung vào chiến đấu.
Ngày 24 tháng 3, ở phía bắc sư đoàn 2 của ta đột phá vào Tam Kỳ, trung đoàn 36 đánh chiếm quận lỵ, Lý Tín, chia cắt giữa Tam Kỳ và Chu Lai. Hai tiểu đoàn tập trung của Quảng Nam từ đông Thăng Bình vòng về phía nam, hình thành mũi vu hồi lợi hại từ phía đông đánh lên. Ở phía nam, trong lúc lữ đoàn 52 (thiếu) cùng 3 tiểu đoàn đặc công và một bộ phận pháo binh, thiết giáp của quân khu phối hợp với hai tiểu đoàn tập trung tỉnh tiến công vào thị xã Quảng Ngãi thì trung đoàn địa phương 94 bao vây tiêu diệt các đơn vị cơ động còn lại của quân ngụy đang tìm đường tháo chạy về Chu Lai. Quần chúng khắp nơi nổi dậy giành quyền làm chủ và kêu gọi địch bỏ vũ khí về với nhân dân.

Thực hiện chia cắt

Trên thế áp đảo, đến 11 giờ ngày 24 tháng 3 ta đã hoàn toàn làm chủ thị xã Tam Kỳ và 23 giờ 30 cùng ngày giải phóng thị xã Quảng Ngãi, tiêu diệt sư đoàn 2, 2 liên

đoàn biệt động, 2 thiết đoàn của ngụy.Như vậy là với một lực lượng chủ lực ít hơn địch, nhưng do khéo tổ chức và kết hợp các lực lượng, các khu chiến của chủ lực và địa phương, ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, tạo được ưu thế lực lượng hơn hẳn địch trong các trận then chốt. Kết quả đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động của quân khu 1 ngụy, thực hiện chia cắt quân địch về chiến lược trên chiến trường đồng bằng, cô lập Đà Nẵng về phía nam, góp phần tạo ra thời cơ tiêu diệt lực lượng còn lại của quân khu 1 địch.

Chuyển hướng tiến công ra Đà Nẵng
Kiên quyết bỏ qua các mục tiêu thứ yếu, tiến thẳng đến mục tiêu chủ yếu.

Chiến dịch tiến công của quân khu 5 trên hướng Tam Kỳ – Quảng Ngãi lúc đầu mang tính chất địa phương, nhằm phối hợp chiến trường chung và giành một thắng lợi quân sự cục bộ, tạo lực tạo thế, tạo thời cơ cho các chiến dịch tiếp theo. Dựa vào thế tiến công chung trên toàn chiến trường miền Nam, chiến dịch đã phát triển thuận lợi, giành thắng lợi lớn trong thời gian ngắn, và cùng với thắng lợi chung, tạo ra thế bao vây chia cắt, cô lập căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng từ ba hướng bắc, tây, nam. Đà Nẵng trở thành mục tiêu phát triển tất yếu của chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế ở phía bắc và chiến dịch giải phóng Tam Kỳ – Quảng Ngãi ở phía nam; chiến dịch tiến công của quân khu trên hướng Tam Kỳ – Quảng Ngãi mặc nhiên trở thành một bộ phận của chiến dịch lịch sử Huế – Đà Nẵng.

Đà Nẵng là căn cứ quân sự liên hợp lớn thứ hai của Mỹ ngụy ở miền Nam. Đến ngày 25 tháng 3, do tăng thêm đám tàn quân từ Trị – Thiên dồn vào, tổng quân số địch ở Đà Nẵng lên đến 10 vạn tên, trong đó có 15 tiểu đoàn quân chủ lực và 15 tiêu đoàn bảo an. Tuy nhiên trong quân ngụy tư tưởng thất bại tràn lan, phần lớn bọn sĩ quan chỉ lo cứu bản thân và gia đình, hàng ngũ địch bắt đầu hỗn loạn.

Tranh thủ và tận dung thời cơ, phát triển tiến công trong hành tiến với tốc độ cao là thành công lớn của quân khu trong nghệ thuật chỉ huy ở cánh phía nam của chiến dịch này.

Chiếu 24 tháng 3, khi trận tiến công giải phóng Tam Kỳ còn chưa kết thúc, quân khu đã ra mệnh lệnh sơ bộ cho các đơn vị phát triển về hướng Đà Nẵng, và ngay đêm đó hạ quyết tâm giải phóng Đà Nẵng, theo cách đánh tiến công phát triển nhanh để phối hợp với hai cánh quân phía bắc và phía tây của Quân đoàn 2. Bỏ qua các mục tiêu thứ yếu, tập trung lực lượng đánh thẳng vào Đà Nẵng, quyết tâm đó hoàn toàn phù hợp với ý định của trên. Ngày 25 tháng 3, quân khu nhận được điện của Bộ Tổng tham mưu: “Tiến công nhanh Đà Nẵng bằng lực lượng tại chỗ có thể huy động được, không chờ lực lượng trên tăng cường. Vấn đề mấu chốt là diệt quân đoàn 1 ngụy và sư đoàn lính thủy đánh bộ, không cho chúng rút lui co cụm về Sài Gòn”.

Mờ sáng ngày 28 tháng 3, cùng với hai mũi tiến công của quân đoàn 2, từ phía bắc vào và phía tây xuống, toàn bộ lực lượng chủ lực của quân khu ở hướng trọng điểm (sư đoàn 2, trung đoàn 36, lữ đoàn 52) và 2 trung đoàn tập trung tỉnh Quảng Đà hình thành một mũi tiến công mạnh, từ hướng nam theo trục đường 1 đánh ra Đà Nẵng.

Hòng làm chậm bước tiến của ta để quân của chúng có thêm thời gian tháo chạy, bọn chỉ huy quân ngụy vội vã cho máy bay đánh sập cầu Bà Rén và cầu Lâu, đồng thời hình thành nhiều chốt chặn dọc đường 1. Nhân dân ở hai bờ sông Thu Bồn đã huy động ngay hàng trăm thuyền chở bộ đội vượt sông nhanh chóng, an toàn. Nhân dân ở dọc đường số 1, kể cả nhân dân thành phố Đà Nẵng, đã huy động hàng trăm xe đủ loại để chở bộ đội tiến công. Các đơn vị được nhân dân giúp đỡ đã vượt qua bọn chốt chặn, thọc thẳng vào Đà Nẵng.

Tốc độ tiến công nhanh, sức mạnh tiến công áp đảo, hành động thọc sâu kiến quyết táo bạo của lực lượng chủ lực quân khu, hiệp đồng chặt chẽ với hai cánh quân của binh đoàn cơ động của Bộ và hành động nổi dậy giành quyền làm chủ của nhân dân, đã làm cho quân địch không kịp đối phó và tan vỡ rất nhanh. Chỉ đến 12 giờ trưa ngày 29 tháng 3, ta đã đánh chiếm xong các mục tiêu then chốt: sân bay, sở chỉ huy quân đoàn 1, toà thị chánh, quân vụ thị trấn, đài phát thanh; đến 15 giờ chiếm xong quân cảng và các mục tiêu trên đỉnh Sơn Trà, giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng.

Từ thắng lợi chia cắt, tiêu diệt địch, lực lương ta ở hướng nam Đà Nẵng đã góp phần vào chiến thắng vẻ vang của chiến dịch thứ hai. Mở ra thời cơ chiến lược cho toàn chiến trường miềnNam.

TRẦN DANH BẢNG (Tổng hợp)

qdnd.vn

Tổng tiến công Xuân 1975: Những điều đáng nhớ

Chiếc xe tăng 843 oanh liệt đã húc đổ cánh cửa Dinh Độc lập ngày 30/4/1975. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)

Những sự kiện đáng nhớ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ngày 17-3-1975: Ta Giải phóng thị xã Kon Tum, Pleiku và 53 buôn thuộc Phú Nhơn, Phú Thiện.

Sư đoàn 10 bộ binh của ta tiếp tục tiến công cụm quân địch còn lại ở Phước An, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch cùng nhiều phương tiện chiến tranh.

Hai Trung đoàn 24 và 28 tập trung lực lượng đột phá theo trục đường 21, tiêu diệt Trung đoàn 44 (thiếu) và 3 tiểu đoàn bảo an ở bản Ea Phê và Krông Bút. 500 tàn binh địch chạy đến Chư Cúc bị một bộ phận Trung đoàn 28 chốt chặt phía trước và đơn vị truy kích phía sau tiêu diệt. Địch dùng máy bay ném bom dữ dội phá huỷ một số cầu cống trên dọc đường số 21 hòng ngăn chặn quân ta cơ động lên truy kích tiêu diệt quân rút chạy của chúng.

Cũng trong ngày 17-3-1975, Sư đoàn 320 của ta đã bôn tập về hướng thị xã Cheo Reo thực hiện nhiệm vụ truy kích địch. Lực lượng pháo binh của ta trong ngày đã tập kích hỏa lực áp đảo vào thị xã làm cho địch hoang mang hốt hoảng. Chiều cùng ngày, Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 từ phía Đông đường 14 đã đến đường 7, như một “mũi lao nhọn” cắt ngang đội hình địch, chặn đứng một khối lượng rất lớn sinh lực địch. Dọc đường số 7, khoảng 2.000 chiếc xe ngổn ngang xếp hàng ba, hàng bốn tháo chạy. Thị xã Cheo Reo hỗn loạn, đường sá tắc nghẽn.

Cùng với tiến công quân sự, chỉ trong ngày 17-3-1975, lực lượng vũ trang địa phương, các đội công tác đã chớp thời cơ phát động nhân dân nổi dậy giải phóng 53 buôn thuộc quận Phú Nhơn và Phú Thiện. Trung đoàn 19 cùng lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum đã giải phóng thị xã Kon Tum. Trung đoàn 957 và lực lượng vũ trang Gia Lai tiến công giải phóng thị xã Pleiku.

Ngày 18-3-1975: Giải phóng thị xã Cheo reo; Bộ Chính trị họp, hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Sáng 18-3-1975, Sư đoàn 320 đã chặn được địch ở Đông Nam Cheo Reo. Một bộ phận lực lượng đã tiến công thị xã Cheo Reo. 11 giờ cùng ngày, ta tiến công cụm địch ở Cheo Reo. Pháo ta bắn dồn dập vào thị xã. Bộ binh địch tranh nhau tháo chạy. Xe tăng địch tranh nhau vượt cầu Ba Nu. Cầu bị sập, xe rơi xuống sông, các xe còn lại lội tràn qua sông chạy bừa.

Địch đã cho máy bay A37 đến ném bom hòng chặn lực lượng ta đang truy kích quân rút chạy, nhưng quá hoảng loạn, bom địch đã đánh vào đội hình của Liên đoàn 7 biệt động quân làm thiệt hại lớn về xe cộ, máy móc và binh lính. Tiếp đó, Liên đoàn 7 lại bị ta tiến công tiêu diệt hoàn toàn. Trước tình hình nguy ngập, Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy Phạm Văn Phú điện cho chuẩn tướng Phạm Duy Tất, chỉ huy cuộc rút chạy: “Mở đường máu mà tháo thân. Mạnh đơn vị nào đơn vị ấy chạy, xe không đi nổi thì phá xe, tìm đường, bỏ đi qua mọi tình huống mà luồn cho thoát, lấy Củng Sơn làm tụ điểm”.

Đến 18 giờ ngày 18-3-1975, quân ta chiếm hoàn toàn thị xã Cheo Reo, đập tan về cơ bản cụm chủ yếu của tập đoàn rút chạy của địch.

Cùng ngày, Bộ Chính trị nhận định thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của ta đánh dấu một bước rất mới trong cục diện chung, một bước suy sụp mới của Mỹ-ngụy. Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành giải phóng miền Nam trong năm 1975; nhiệm vụ trước mắt là tiêu diệt quân đoàn 1 của địch không cho chúng rút về Sài Gòn, giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Trung Bộ.

Theo phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, sáng ngày 18-3-1975, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Đắk Lắk và Ủy ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột đã làm lễ ra mắt. Hơn 200 đại biểu các tầng lớp nhân dân lao động, công nhân, trí thức, phụ nữ, thanh niên, học sinh, các sư sãi, linh mục, mục sư, ngoại kiều trong thị xã đã đến dự lễ cùng với đại biểu các lực lượng vũ trang giải phóng, các đoàn thể cách mạng trong toàn tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 26-3-1975: Giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên, thành lập Binh đoàn Tây Nguyên (B3).

Trên địa bàn Thừa Thiên-Huế, qua các đợt tiến công và nổi dậy, ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch gồm: Sư đoàn 1 bộ binh, Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, 2 lữ đoàn biệt động, 1 lữ đoàn kỵ binh thiết giáp, 3 thiết đoàn, 8 tiểu đoàn pháo, 15 tiểu đoàn và 21 đại đội bảo an, 319 trung đội dân vệ, 7.000 cảnh sát, toàn bộ hệ thống ngụy quyền và hơn 3,6 vạn phòng vệ dân sự; thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch.

Ngày 26-3-1975, tỉnh Thừa Thiên hoàn toàn được giải phóng.

Nhằm tiếp tục xây dựng các binh đoàn chủ lực cơ động, tạo những “quả đấm quyết định,” ngày 26-3-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng đã ký Quyết định số 54/QĐ-QĐ thành lập Binh đoàn Tây Nguyên, phiên hiệu công khai là B3, trực thuộc Bộ Quốc phòng, do đồng chí Vũ Lăng làm Tư lệnh, đồng chí Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy.

Cùng ngày, tại Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 2, các đồng chí trong Bộ Tư lệnh và Tham mưu trưởng họp bàn kế hoạch sử dụng Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 tiếp tục phát triển tiến công vào phía Nam theo kế hoạch và quyết định sử dụng Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 tiến vào Nam theo hướng đường số 14.

Trên hướng Tây Nguyên phát triển, ngày 26-3-1975, Sư đoàn 2, các Trung đoàn pháo binh 572, cao xạ 573, thiết giáp 574 chuyển đội hình ra Thăng Bình, Quế Sơn, sẵn sàng tiến về Đà Nẵng.

Trên tuyến đường Hồ Chí Minh, Sư đoàn ôtô 571 nhận lệnh tập trung 1.000 xe cùng với lực lượng vận tải ôtô của Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần), cơ động Quân đoàn 1 từ Vĩnh Linh vào Đồng Xoài chuẩn bị tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Ngày 27-3-1975: Phát triển các mũi tiến công đánh địch ở Đà Nẵng, giải phóng Đệ Đức và Bồng Sơn trên hướng Tây Nguyên phát triển.

Ngày 27-3-1975, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Quân đoàn 2 và Quân khu 5: “Tình hình Đà Nẵng rất khẩn trương. Cần có những biện pháp đặc biệt nhanh chóng tiến công địch, bỏ qua những mục tiêu dọc đường, đánh thẳng vào Đà Nẵng nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất với những lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất.”

Thực hiện nhiệm vụ mở đường đánh vào Đà Nẵng, Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 ngày 27-3-1975 tiếp tục đánh vào tuyến phòng thủ lâm thời của địch ở khu vực đèo Phú Gia. Địch chống cự quyết liệt. Máy bay địch từ sân bay Đà Nẵng liên tục xuất kích. Pháo binh địch từ Lăng Cô, Hải Vân dồn dập bắn ra Phú Gia yểm trợ cho bộ binh “tử thủ Đà Nẵng.”

Với khí thế chiến đấu mạnh mẽ, quân ta nhanh chóng tràn qua đèo Phú Gia rồi thừa thắng giải phóng Sơn Hải. 20 giờ cùng ngày, Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 làm chủ khu vực Lăng Cô, mở cửa đột phá lên đèo Hải Vân để đánh vào Đà Nẵng từ hướng Bắc. ở hướng Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đưa 2 đại đội lên đặt trận địa ở Sơn Khánh.

Trên hướng Tây Nguyên phát triển, ngày 27-3-1975, ta giải phóng Đệ Đức và Bồng Sơn. Trên đường 20, Sư đoàn 7 của ta đánh chiếm chi khu Đắc Oai rồi theo hướng 20 đánh chiếm đèo Ba Cô và cầu Đại Lao (Lâm Đồng).

Cùng ngày, tại Sở chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên ở Thuần Mẫn, Đại tướng Văn Tiến Dũng công bố Quyết định thành lập Binh đoàn Tây Nguyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Vietnam Plus