Những mùa xuân lịch sử của dân tộc Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Người Việt Nam có một truyền thống rất đẹp: Hằng năm, cứ mỗi dịp chào đón xuân về, cả dân tộc ôn lại lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước với biết bao chiến công chói lọi giành được vào mùa xuân. Những chiến công đó đã làm nên những mùa xuân lịch sử.

Những mùa xuân lịch sử trước khi Đảng ra đời

Mùa xuân năm 1077 diễn ra trận quyết chiến chiến lược Như Nguyệt (18/1 đến 2/1077) của quân dân Đại Việt do Lý Thường Kiệt chỉ huy nhằm tiêu diệt quân Tống xâm lược trên phòng tuyến sông Cầu (Bắc Ninh). Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Tống lần thứ II (1075-1077).

Mùa xuân năm 1258 diễn ra cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ I, trong đó quân và dân ta dưới thời nhà Trần tổ chức phản công bằng trận Đông Bộ Đầu (ngày 29/1/1258), đập tan âm mưu xâm lược Đại Việt của quân Nguyên-Mông.

Mùa xuân năm 1285 diễn ra trận phòng ngự ở Vạn Kiếp (2/1285) do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy, đánh thắng quân Nguyên-Mông trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ II.

Mùa xuân năm 1288 ghi lại trận phục kích đường sông của quân dân nhà Trần (Đại Việt) trên sông Bạch Đằng (9/4/1288) do Trần Quốc Tuấn chỉ huy nhằm tiêu diệt quân Nguyên-Mông trên đường rút chạy, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần III (1287-1288).

Mùa xuân năm 1785 chứng kiến trận Rạch Gầm-Xoài Mút (20/1/1785) do Nguyễn Huệ chỉ huy, đập tan âm mưu can thiệp của phong kiến Xiêm, đánh đổ các tập đoàn phong kiến của chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Mùa xuân năm 1789, chỉ trong vòng 5 ngày đêm (từ ngày 30/12 đến 5/1 năm Kỷ Dậu – 1789), dân tộc ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Quang Trung – Nguyễn Huệ đã quét sạch 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi, giải phóng kinh thành Thăng Long, giải phóng Tổ quốc.

Đây là một trong những chiến công vĩ đại và hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Những mùa xuân lịch sử gắn với sự ra đời và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Mùa xuân năm 1930 ghi lại dấu mốc lịch sử ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam giành được nhiều thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa dân tộc và thời đại.

Mùa xuân năm 1931: Chứng kiến sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương vào ngày 26/3/1931, tiền thân của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, là tổ chức chính trị-xã hội lớn nhất của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Mùa xuân năm 1949: Chiến dịch Cao Bắc Lạng (mở màn ngày 15/3/1949, kết thúc ngày 30/4/1949), là chiến dịch tiến công của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đánh vào tuyến phòng thủ đường 4 và lực lượng chiếm đóng của Pháp ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn.

Mùa xuân năm 1950:

Từ ngày 25 đến ngày 27/1/1950 diễn ra Chiến dịch Bến Cát I của lực lượng vũ trang khu Sài Gòn-Chợ Lớn tiêu diệt một bộ phận quân Pháp, mở rộng khu căn cứ Long Nguyên – Thanh Tuyền;

Ngày 18/1/1950, diễn ra trận sân bay Bạch Mai của Tiểu đoàn 108 (Mặt trận Hà Nội) tập kích sân bay Bạch Mai – một căn cứ không quân quan trọng của Pháp ở Hà Nội;

Từ ngày 26/1 đến ngày 1/2/1950, diễn ra chiến dịch Cao Lãnh của lực lượng vũ trang Khu 8 trên địa bàn tổng An Tịnh (huyện Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp) nhằm tiêu hao sinh lực, phá vỡ hệ thống lô cốt, tháp canh của quân Pháp, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch tạm chiếm;

Mùa xuân năm 1951: Chiến dịch Trần Hưng Đạo kết thúc thắng lợi vào ngày 18/1/1951, do Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp tổ chức, chỉ huy đánh vào phòng tuyến của quân Pháp ở vùng trung du Bắc Bộ, nhằm phát huy quyền chủ động chiến lược sau thắng lợi chiến dịch Biên Giới (năm 1950).

Mùa xuân năm 1954:

Chứng kiến trận sân bay Cát Bi (7/3/1954) do 32 chiến sĩ bộ đội địa phương Kiến An tập kích vào sân bay Cát Bi, góp phần phát triển chiến tranh du kích trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954;

Chiến dịch Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia từ 30/1 đến 4/1954, là chiến dịch tiến công của quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào và Campuchia đánh quân Pháp ở Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia;

Chiến dịch Thượng Lào (29/1 đến 13/2/1954) là chiến dịch tiến công của Đại đoàn 308 và một bộ phận lực lượng vũ trang Phathét Lào trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954;

Chiến dịch Điện Biên Phủ (từ 13/3 đến 7/5/1954), chiến dịch quyết chiến chiến lược của quân đội nhân dân Việt Nam, là đòn tiến công tiêu diệt lớn nhất, điển hình nhất của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, giáng đòn quyết định đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp.

Mùa xuân năm 1963: Trận Ấp Bắc (2/1/1963) là trận chống càn điển hình của quân và dân miền Nam Việt Nam đánh bại lực lượng càn quét của ngụy quân Sài Gòn được cố vấn Mỹ chỉ huy. Báo hiệu sự phá sản của chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ.

Mùa xuân năm 1964: Trận chiến đấu đầu tiên của không quân Việt Nam (16/2/1964), trong đó máy bay T-28 (số hiệu 963 do Nguyễn Văn Ba và Lê Tiến Phước điều khiển) thuộc Trung đoàn không quân vận tải 919 Quân chủng Phòng không-Không quân, bằng 2 loạt đạn bắn rơi máy bay địch, diệt toàn bộ toán biệt kích và tổ lái. Không quân Việt Nam lập chiến công đầu ở mặt trận trên không.

Mùa xuân năm 1965: Trận chiến đấu không quân (3/4/1965) của biên đội máy bay MIG-17 thuộc Trung đoàn không quân tiêm kích 921, là trận đầu đánh thắng của Không quân nhân dân Việt Nam, mở ra mặt trận trên không chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam. Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ I (7/2/1965 đến 1/11968). Quân và dân miền Bắc bắn rơi 3.243 máy bay (có 6 B 52 và 3 F 111), bắn chìm, bắn cháy 143 tàu chiến, tàu biệt kích của Mỹ.

Mùa xuân năm 1967: Chiến dịch phản công của quân giải phóng miền Nam Việt Nam đánh bại cuộc hành quân Gianxơn Xiti (Junction City) của Mỹ (từ 22/2 đến 15/4/1967), loại khỏi chiến đấu hơn 14.000 quân địch, phá huỷ 992 xe quân sự, 112 khẩu pháo, bắn rơi và phá huỷ 160 máy bay; bảo vệ vững chắc căn cứ, cơ quan đầu não kháng chiến; đánh bại cố gắng lớn nhất của Mỹ trong cuộc phản công chiến lược lần II và cả cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam.

Mùa xuân năm 1968: Đêm 30 rạng ngày 31/1/1968, quân dân miền Nam nhất tề tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở 64 thành phố, thị xã và nhiều vùng nông thôn rộng lớn, tiến công hàng loạt căn cứ quân sự, đánh trúng các sào huyệt, cơ quan đầu não quan trọng của quân Mỹ và quân Ngụy, là đòn quyết định giáng vào chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.

Mùa xuân năm 1971: Diễn ra Chiến dịch phản công của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam nhằm đánh bại chiến dịch Quang Trung của ngụy quân Sài Gòn ở vùng giáp giới 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia từ 27/2 đến 16/4/1971, tiêu diệt 3 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 9 tiểu đoàn, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân Quang Trung của địch. Chiến dịch đường 9 Nam Lào (từ 30/1 đến 3/3/1971), trong đó Quân giải phóng miền Nam Việt Nam phối hợp với lực lượng cách mạng Lào đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 (30/1 đến 23/3/1971) của ngụy quân Sài Gòn được Mỹ yểm trợ hoả lực.

Mùa xuân năm 1973: Ngày 15/1/1973, sau nhiều thất bại thảm hại, Chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt mọi hành động ném bom, bắn phá miền Bắc Việt Nam. Ngày 27/1/1973, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari lập lại hoà bình tại Việt Nam.

Mùa xuân năm 1975: Chiến dịch Tây Nguyên (4/3 đến 24/3/1975) là chiến dịch chiến lược tiến công của Quân giải phóng Mặt trận Tây Nguyên mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, làm thay đổi cơ bản so sánh lực lượng và thế chiến lược giữa ta và địch, tạo bước ngoặt quyết định, đưa cuộc tiến công chiến lược của ta phát triển thành Tổng tiến công trên toàn miền Nam Việt Nam.

Đặc biệt, Chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4 đến 30/4/1975), chiến dịch quyết chiến chiến lược của quân và dân Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, là điển hình về hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, các binh chủng, quân chủng, sự kết hợp trên quy mô lớn giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng; đòn quyết chiến chiến lược táo bạo, kịp thời, chính xác, kết thúc chiến tranh./.

Linh Đức

Nhân dân là cội nguồn của thắng lợi

(Chinhphu.vn)- Trung tướng Nguyễn Việt Thành năm nay ngoài 60 tuổi, Thiếu tướng Trương Hữu Quốc giờ ở tuổi 79, cả hai ông đều đã tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam những năm chống Mỹ. Hồi tưởng về những năm tháng oanh liệt ấy, hai vị tướng của Lực lượng Công an nhân dân đều khẳng định, nhân dân là cội nguồn của thắng lợi.

Thiếu tướng Trương Hữu Quốc. Ảnh: Chinhphu.vn

Bám trụ tại chiến trường Trị Thiên

35 năm sau ngày đất nước thống nhất, Thiếu tướng Trương Hữu Quốc giờ đã ở tuổi 79, nhưng ông vẫn nhớ như in những ngày tháng chiến đấu oanh liệt thuở nào.

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Quảng Trị khói lửa, tận mắt chứng kiến đạn bom và gót giày đinh của kẻ thù cày xới mảnh đất quê hương, Thiếu tướng Trương Hữu Quốc- nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn là thiếu niên ( năm 15 tuổi).

Trong thời kỳ ác liệt nhất ở chiến trường Trị Thiên, ông đã trực tiếp chiến đấu nhiều trận, dự nhiều chiến dịch và có nhiều công lao, đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Mảnh đất Quảng Trị là nơi đối đầu ác liệt giữa  ta và địch. Địch tập trung tất cả các binh chủng lớn nhất, các sư đoàn mạnh nhất ở đây. Có những thời điểm chúng đưa tới 54.000 quân ra chiến trường Quảng Trị để đàn áp lực lượng cách mạng.

Ông Quốc đã tham gia nhiều chiến dịch lớn. Vào năm 1966, ông được giao nhiệm vụ trinh sát các địa bàn cứ điểm ở tây nam Quảng Trị và tham gia chiến đấu ở các cứ điểm ở miền Tây, nơi ông phụ trách. Cuộc chiến đấu ở đó thắng lợi,  50 xã ráp ranh vùng giải phóng ở Quảng Trị được giải phóng và các cứ điểm của địch ở đồn Tân Lệ bị tiêu diệt.

Năm 1967, ông được Bí thư Tỉnh ủy và Trưởng ty Công an giao nhiệm vụ nắm tình hình để tấn công căn cứ ngụy ở La Văng và thị xã Quảng Trị, lần đó thắng lợi và chúng ta do nắm chắc tình hình đã đánh thắng chiếm toàn bộ  căn cứ trung đoàn 1 của địch ở La Văng, mở nhà lao Quảng Trị, đưa 260 chị em bị cầm giữ trong nhà lao ra an toàn.

Năm 1968, ông và đồng đội được giao nắm toàn bộ khu tỉnh trưởng, tỉnh đường, khu an ninh, các căn cứ của sư đoàn địch. Ông đã sử dụng cơ sở bí mật địa phương đưa quân tấn công thành cổ Quảng Trị, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Sau đó đưa quân ra vùng ven chiến đấu ở vùng đồng bằng và phối hợp 25 ngày đêm đánh địch ở Huế.

Năm 1972, ông báo cáo trực tiếp với đồng chí Lê Trọng Tấn – Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam về toàn bộ hồ sơ, sơ đồ và tình hình địch ở trong thành cổ để quân ta tấn công vào Quảng Trị ngày 30/4/1972. Buổi chiều ngày 1/5/1972, các chiến sĩ Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 đã cắm lá cờ chiến thắng lên Dinh tỉnh trưởng ngụy quyền Quảng Trị.

Sau khi bộ đội ta giải phóng Quảng Trị, Mỹ- ngụy tìm mọi cách tái chiếm Quảng Trị. Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6 đến ngày 16/9/1972), hơn 1 vạn cán bộ, chiến sĩ ưu tú của ta đã anh dũng hy sinh.

Khi nhắc lại những chiến công này, Thiếu tướng Trương Hữu Quốc không giấu được niềm xúc động và điều mà ông luôn luôn khắc ghi là tinh thần anh dũng của nhân dân ta. Ông nói chính nhân dân là bệ đỡ vững chãi để ông và nhiều đồng đội sống và chiến đấu, góp sức vào thắng lợi chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trung tướng Nguyễn Việt Thành. Ảnh: Chinhphu.vn

Anh hùng của chiến trường Tây Nam Bộ

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Trung tướng Nguyễn Việt Thành- (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) đã anh dũng chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam Bộ.

Tham gia du kích từ năm 14 tuổi, rồi gia nhập lực lượng An ninh tỉnh Mỹ Tho, ông đã chiến đấu hàng trăm trận và tiêu diệt được hơn 200 tên địch, làm bị thương 230 tên … cũng như góp phần xây dựng hàng chục cơ sở bí mật, đào hàng trăm hầm bí mật, sản xuất hàng trăm giàn thun bắn lựu đạn, thu lượm phục chế 550 quả bom, lựu đạn lép của địch làm vũ khí đánh địch; 350 lần dẫn đường bảo vệ các đồng chí lãnh đạo đi lại hoạt động an toàn.

Do có những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tháng 8/1980, ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trung tướng Nguyễn Việt Thành kể lại, trong hàng trăm trận mà ông tham gia, có nhiều trận vô cùng quyết liệt, đòi hòi người chỉ huy phải vô cùng tỉnh táo, để có những quyết định sáng suốt nhất. Nhiều lần trong họng kìm bủa vây của kẻ thù, thậm chí địch đưa cả máy bay trực thăng, xe tăng bao bây, ông vẫn bình tĩnh phán đoán tình huống, dũng cảm bật nắp hầm bí mật đưa đồng đội vượt vòng vây an toàn.

Nhưng có kỷ niệm mà Trung tướng Nguyễn Việt Thành không thể quên, đó là những trận đánh cuối cùng ở Sài Gòn mùa xuân năm 1975.

Khi đó, ông đang học Trường Quân chính ở Phước Long. Trường thành lập Tiểu đoàn 3- Công an võ trang và ông được cử là Tiểu đoàn phó, Tham mưu trưởng. Cùng với các sư đoàn chủ lực khác, tiểu đoàn của ông đánh thẳng từ Bình Dương, ra sân bay Tân Sơn Nhất, Trường huấn luyện Quang Trung rồi chiếm giữ Nha cảnh sát ngụy ở Sài Gòn…

Giờ đây đã hơn 60 tuổi, Trung tướng Nguyễn Việt Thành vẫn nhớ như in khí thế sôi sục của những trận đánh thẳng vào sào huyệt của kẻ thù đó. Và niềm tự hào, niềm vui trong ngày chiến thắng 30-4-1975 thật khó diễn tả, trong đó có niềm tiếc thương những đồng đội đã ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn chỉ một vài giờ.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là thành quả vĩ đại của cả dân tộc ta, thể hiện sức mạnh đoàn kết nhất trí giữa ý Đảng lòng dân, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. “Trong niềm vui chung ấy, chúng ta không bao giờ được quên những đồng đội đã hy sinh anh dũng và càng thấm thía hơn công sức của nhân dân – cội nguồn của sức mạnh Việt Nam”, Anh hùng Nguyễn Việt Thành nói.

Mai Hồng

Đại thắng mùa Xuân 1975 với báo chí quốc tế

(Chinhphu.vn)- Đại thắng mùa Xuân 1975 của nhân dân Việt Nam là sự kiện khơi nguồn cảm hứng cho nhiều nhà báo quốc tế viết bài ca ngợi hoặc thôi thúc họ trở lại Việt Nam một lần nữa kể từ mùa Xuân ấy.

Chiến thắng 30/4/1975 của nhân dân Việt Nam đã ghi dấu ấn không phai mờ trong tâm trí nhiều nhà báo nước ngoài.

Báo Người Lao động, cơ quan trung ương những người lao động Cuba ngày 27/4 viết: “Ngày 30/4/1975, những hình ảnh chiến thắng đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam anh hùng đã nhanh chóng lan tỏa khắp thế giới. Cảnh tượng những tên lính Mỹ hoảng loạn chen lấn, xô đẩy trên những chiếc máy bay trực thăng Black Hawk trong một cuộc tháo chạy trước sức tiến công thần tốc không gì ngăn cản nổi của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như hình ảnh các chiến sĩ giải phóng tiến vào Dinh Độc lập vẫn còn nguyên đó như những bằng chứng hùng hồn của ngày hai miền Nam Bắc Việt Nam hoàn toàn thống nhất”.

Tờ báo nhấn mạnh: “Ý chí kiên cường bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam là tấm gương sáng của lòng quả cảm và tinh thần chiến đấu để ngày hôm nay nhân dân Việt Nam đang được sống trong hòa bình và thịnh vượng, mười lần tươi đẹp hơn như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Các nhà báo quốc tế hội ngộ nhân dịp 30/4

Hàng chục ký giả nước ngoài từng tới Sài Gòn đưa tin trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam sẽ trở lại mảnh đất này vào cuối tháng 4 nhân dịp 35 năm Ngày giải phóng miền Nam.

Tim Page, nhà báo người Anh, cựu ký giả Tạp chí Time của Mỹ (những năm 1960 – 1970) đã tới Việt Nam tổng cộng gần 60 lần cho biết, ông đã đem lòng yêu mến Việt Nam. Theo nhà báo người Anh này, tuy đã trở lại thăm và công tác tại Việt Nam nhiều lần, nhưng năm nay là một dịp đặc biệt, vì ông sẽ được gặp lại hàng chục đồng nghiệp chiến trường khác, một trong số đó là Carl Robinson, nhà báo kỳ cựu người Mỹ.

Carl Robinson cho biết, trong lần gặp gỡ này, các nhà báo sẽ tiếp cận với người dân nhiều hơn so với các lần trước; sẽ trao đổi với người dân địa phương cũng như người nước ngoài ở Việt Nam về những kinh nghiệm sống và làm việc ở miền Nam Việt Nam trong thời chiến. Ông cho biết thêm, kể từ năm 1995, các nhà báo nước ngoài từng đưa tin về chiến tranh Việt Nam gặp nhau 4 năm 1 lần đúng dịp 30/4.

Khi được hỏi về những điều đáng nhớ nhất kể từ khi tới Việt Nam đưa tin chiến sự lần đầu năm vào năm 1965 khi ông mới 20 tuổi, nhà báo Tim Page cho biết mọi trải nghiệm từ cuộc chiến Việt Nam có ảnh hưởng lớn tới mình và ông sẽ lưu giữ chúng cho tới cuối đời.

Ông nói: “Tôi nghĩ đó là một trong những nơi tuyệt vời nhất tôi từng sống. Đó là một câu chuyện mang nhiều kịch tính nhất mà tôi từng đưa tin. Tôi chụp những bức ảnh đẹp nhất và tôi có những tình bạn lâu bền nhất. Chưa bao giờ tôi lại sợ hãi và khổ cực đến vậy cũng như chưa bao giờ tôi trải qua những điều thú vị như vậy. Tôi đã xuất bản 5 quyển sách về Việt Nam. Tôi sẽ không bao giờ có một thời kỳ sống và làm việc điên rồ như vậy một lần nữa, nhất là khi đã có tuổi”.

Ký giả Robinson nói ông và các đồng nghiệp từng nghĩ 2005 là năm cuối cùng họ gặp mặt nhau, nhưng sau đó, vì nặng lòng với Việt Nam, tất cả quyết định trở lại đất nước này thêm một lần nữa. Trong cuộc gặp mặt này, khoảng 50 nhà báo kỳ cựu sẽ cùng tổ chức triển lãm cũng như chia sẻ ký ức với người xem, nhất là những người trẻ tuổi về một phần cuộc đời làm báo đáng nhớ của mình.

 Nguyễn Chiến

Ngày 30-4 vĩ đại được nối tiếp…

Ngày 30-4 vĩ đại được nối tiếp, bật nảy con người TP đích thực. Cái vòng vận hành hợp lý: Quá khứ đẻ ra hiện tượng 30-4 và đến lượt nó, ngày 30-4 đẻ ra hiện tượng chiến đấu và chiến thắng mới

Chiến tranh là chiến tranh… Câu châm ngôn đầy sắt máu ấy chỉ bị đính chính ở đây, thành phố Sài Gòn, vào ngày 30-4-1975 – ngày cuối cùng của 30 năm chiến tranh. Cần nhắc cái điều tuy ai cũng biết nhưng để thêm khái niệm: Cuộc chiến tranh Việt Nam thuộc loại lớn của thế giới hiện đại – về cường độ thì kém chiến tranh thế giới, nhưng về thời gian thì dài gấp nhiều lần.

Một trăm dấu hỏi “lẽ nào”?

Thoạt tiên, sự kiện 30-4 có vẻ khó hiểu – lẽ nào thủ đô của một chế độ với hàng nửa triệu lính, vũ khí còn đủ, với nửa triệu nhân viên các cỡ trong bộ máy thống trị đồ sộ, với hàng vạn, chục vạn phần tử chống đối cách mạng đến cuồng tín, hàng vạn, hàng chục vạn người liên hệ mức này mức khác với bộ máy thống trị tồn tại đã trăm năm, cái túi gom tụ tất cả những gì tội lỗi khắp nước… – lẽ nào một cứ điểm như vậy lại lặng lẽ nhìn quân giải phóng và “Việt Cộng nằm vùng” trong mấy tiếng đồng hồ tràn ngập khắp thành phố mà không để một dấu vết tàn phá, do bất cứ từ phía nào. Lẽ nào cuộc chiến tranh quy mô, dai dẳng lại kết thúc kỳ quặc như vậy…

Có bộ phận kẻ thù toan “tử thủ” đấy. Nhưng, sự thể đã không cho phép làm như vậy. Lực lượng so sánh không cho phép, thế chính trị áp đảo của quần chúng đứng về phía cách mạng không cho phép. Và, cả chính phủ cuối cùng của Sài Gòn không cho phép như vậy. Mỹ tính một ngón đòn khác, rất hiểm – để “Việt Cộng tắm máu dân Sài Gòn”, nên chọn con đường di tản hối hả.

Mọi kế hoạch “tử thủ” vứt vào sọt rác, không bao giờ có “tử thủ”, dù chỉ phảng phất như ánh lóe tuyệt vọng. Thôi, không “tử thủ” nữa. Sẵn súng, thuốc nổ, sẵn cả con người – phá rối vậy. Ngày 30 qua, ngày 1 qua… các đài phát thanh ghét “Việt Cộng” mở máy vi âm dò một tiếng động nhỏ để khuếch đại. Lẽ nào? Lẽ nào dân thành phố Sài Gòn không sợ “Việt Cộng rút móng tay sơn của các cô gái”, “bắt các cô gái phải lấy “thương binh” của họ? Lẽ nào Việt Cộng không nhìn dân Sài Gòn, tất thảy, là “ngụy”, lùa lên rừng, bắt đóng khố và sống với khỉ, vượn?

Một trăm dấu hỏi “lẽ nào” không tiếp được một hồi âm. Đúng ra, vẫn có hồi âm: Những bức ảnh chụp dân thành phố trèo cả lên xe tăng quân giải phóng diễu hành qua các lộ, ảnh của các bó hoa, nụ cười, giọt nước mắt sung sướng, những nụ hôn – ảnh của ngày hội lớn, có lẽ lớn nhất lịch sử đất nước này.

Thủ hạ đâu cả rồi? Các tay trùm buôn lậu số phận con người gầm thét, chúng quên một sự thật khá đơn giản: nửa triệu binh lính Sài Gòn là người Việt Nam bị cưỡng bức vào lính chờ ngày 30-4 chẳng kém gì nhân dân thành phố nói chung. Hơn ai hết, họ cần được giải phóng khỏi kiếp làm bia đỡ đạn. Số phản bội Tổ quốc dù sao cũng không nhiều, chúng sợ trốn mà ló đuôi trước khí thế nghiêng trời của cả một thành phố, còn nói gì đến những danh từ rỗng: chiến đấu cho lý tưởng tự do…

Một năm, hai năm, ba năm, bốn năm qua…, kẻ thù rút kết luận: Để lên dây cót cho thủ hạ, phải tạo cơ hội. Và chúng đã tạo ra: Pol Pot ùa sang chém giết, “nạn kiều” và nạn vượt biên rùm beng, giữa lúc cả nước ta, miệt đồng bằng sông Cửu Long bị ngập lụt chưa từng có, công thương nghiệp thành phố rơi vào điểm chết do cơ chế quản lý lạc hậu…

Lẽ nào Việt Nam không quỵ và trước hết, thành phố Hồ Chí Minh không quỵ…

Củ khoai – khá nhiều củ sùng – không chọn chung đường với ma quỷ mà giúp người thành phố đỡ dạ lo toan việc lớn. Tất nhiên, vẫn có lạc lõng của những cơn sàng lọc bấy nay, đã hơn 10.000 ngày, đã khẳng định con người thành phố đủ tầm cao ngang với lịch sử thành phố.

Chính trong khó khăn, thiếu thốn mà những người lao động dũng cảm cống hiến mồ hôi và tâm lực để cùng cả nước mở lối ra cho cung cách mới quản lý kinh tế – xã hội. Và thành tựu 30 năm – tại chỗ cùng sự đóng góp của thành phố vì cả nước – đã nói thay cho thành phố.

Ngày 30-4 vĩ đại được nối tiếp, bật nảy con người thành phố đích thực. Cái vòng vận hành hợp lý: Quá khứ đẻ ra hiện tượng 30-4 và, đến lượt nó, ngày 30-4 đẻ ra hiện tượng chiến đấu và chiến thắng mới.

Khởi đầu với ngày 30-4 và sẽ nhân lên mãi mãi

30 năm, thành phố tự cải tạo – cải tạo theo cái nghĩa toàn diện nhất. Cho tới nay, chưa thể nói rằng đời sống vật chất của người thành phố đã được bảo đảm vững chắc – dù rằng có được cải thiện, nhìn chung. Song, cho tới nay, người thành phố hiểu được cái chân lý vốn rất khó hiểu trước kia: Đời sống phản ánh hai mặt: mức sản xuất và mức tháo gỡ cơ chế quản lý của thành phố. Từ thái độ thụ động, nhìn nền kinh tế bằng đôi mắt bàng quan, người thành phố xông vào nó, suy tính với nó, lật bề mặt bề trái của nó, bắt nó cựa quậy, bằng mồ hôi, nhịp tim, chất xám và kinh nghiệm. Quyền làm chủ biểu hiện có lẽ rõ hơn hết trên trận địa này. Chưa bằng lòng, thậm chí bất bình những mặt nhất định của cung cách điều hành kinh tế – xã hội, người thành phố đã phát hiện cái cốt lõi: có đóng góp thì có thu hoạch. Sự giác ngộ ấy đáng quý biết bao nếu chúng ta nhớ những tháng năm chưa phải đã xa xôi dân thành phố sống trong mối quan hệ thống trị – bị trị khác hẳn và bị ô nhiễm không phải nhẹ nhàng trước cả một hệ thống đầu độc tinh vi, nhiều dạng, nhiều mức.

Còn đời sống văn hóa, thành tựu lớn nhất chính là người thành phố tự hiểu năng lực bản thân mình, tự hào và tự tin có thể xây dựng thành phố theo ước mơ của chính mình, dù cho trước kia chỉ là tiềm thức nhưng ngày nay đã tiếp cận với hiện thực.

Có lẽ cái mà mọi người day dứt xoay quanh những biểu hiện tiêu cực – rộng và hẹp, to và nhỏ, có cái thuộc vật chất, có cái thuộc đạo lý… – và thiết tha mong chờ công bằng. Nguyện vọng hoàn toàn chính đáng và là nguyện vọng của những người có tinh thần trách nhiệm.

Thành phố Hồ Chí Minh khởi đầu với ngày 30-4, đã nhân những nét đặc sắc của ngày trọng đại ấy, sẽ nhân mãi, nhân mãi…

Trần Bạch Đằng (Tháng 4-2005)

Tôi tham gia “ké” may cờ giải phóng

(NLĐO)- Ngày 30- 4-1975 tôi đã 14 tuổi. Cái tuổi không còn là trẻ con nhưng cũng chưa phải người lớn. Vì vậy, có chuyện “quốc gia đại sự” gì trong nhà là ba tôi giao phó cho các anh chị. Tôi làm… quan sát viên thôi.

Ba tôi hoạt động cách mạng trong nội thành nhưng tôi chỉ biết rõ điều đó vào những ngày cận kề 30-4. Ông “tập trung” 3 đứa con lớn vào trong phòng và cấm không cho mấy nhóc như tôi chui vào.

Càng cấm tôi càng…tò mò và sau khi cuộc họp tan tôi đã thu thập được tin tức ngay: Nhà tôi sẽ may cờ giải phóng! Anh Ba đi mua vải màu đỏ; chị Tư mua màu xanh còn chị Năm màu vàng nhưng phải mua 3 chỗ khác nhau sợ bị phát hiện.

Tôi bám anh Ba đòi theo và hứa sẽ “canh chừng” dùm. Ba người có vẻ hồi hộp, lo lắng nhưng tôi thì khoái vô cùng vì lần đầu tiên mình tham gia chuyện “quốc gia đại sự”.

Người được ba tôi giao nhiệm vụ may cờ là cậu Mười, một chú thợ may hiền lành, tốt bụng nhà hàng xóm kế bên. Lúc đầu cậu Mười tái xanh mày mặt nhưng không biết ba tôi vận động thế nào mà cũng xong.

Chỗ cậu Mười ngồi may trong góc tối, cửa nẻo đóng kín mít và tôi làm “nhiệm vụ” lâu lâu hé cửa vào đưa cho cậu ly cà phê hay miếng bánh lót dạ…

Tôi nhủ thầm trong bụng, phải tìm cách để giành lấy việc cắm cờ trước nhà mình khi Sài Gòn giải phóng, bởi nhiều khả năng chuyện “quốc gia đại sự” như vậy sẽ dành cho anh Ba.

Nhưng ý định đó không thành vì khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, số cờ đó đã được ba tôi mang đi giao cho các nơi rồi về… tay không. Ông an ủi: “Nhiều nơi cần phải cắm cờ trước, còn nhà mình dù sao cũng biết cờ giải phóng ra sao rồi, bữa khác may thêm treo sau”.

Bạn nhớ gì về ngày 30 tháng 4 năm 1975 hoặc nghe người thân của mình kể về những kỷ niệm của ngày lịch sử này? Hãy chia sẻ câu chuyện của mình qua online@nld.com.vn cùng mọi người. Những mẩu chuyện của bạn sẽ có nhuận bút đủ để… uống cà phê và tiếp tục trò chuyện với bạn bè về “Ngày 30-4 của tôi”..

P.Ngọc

Liều đi xem “mặt mũi” Sài Gòn…

(NLĐO)- Ngã tư Hàng Xanh ngày ấy nhỏ hơn bây giờ nhiều, còn đường phố thì ngược lại, rộng rãi, thênh thang hơn hẳn. Chúng tôi cuốc bộ từ Hàng Xanh, cầm trên tay ổ bánh mì Sài Gòn vừa to vừa mềm – khác hẳn bánh mì ngoài Bắc, náo nức đếm từng bước để đến được Dinh Độc Lập.


Bộ đội tiến về Sài Gòn năm 1975 (Ảnh: Internet)

Tháng 2-1975, tôi được lệnh tổng động viên và ngay sau đó hành quân vào Nam. Ngày 30-4 lịch sử, đơn vị tôi đang chiến đấu ở Xuân Lộc (Đồng Nai). Đến đầu giờ chiều hôm đó, chỉ huy đơn vị nhận được tin báo Sài Gòn giải phóng, đám lính chúng tôi nhất loạt tung mũ, nhảy cẫng lên reo hò.

Vài ngày sau, tình hình dần yên ổn nhưng chúng tôi nhấp nhổm không yên. Sài Gòn đã gần kề, đứa nào cũng háo hức muốn xem thử “hòn ngọc Viễn Đông” tròn méo ra sao! Thế là, hơn chục đứa len lén rủ nhau chuồn khỏi nơi đóng quân trong một cánh rừng cao su.


Ngã tư Hàng Xanh chụp năm 1970 (Ảnh: Internet)

Ra đến đường cái, xe khách chạy tuyến Xuân Lộc – Sài Gòn đã được phục hồi. Chúng tôi ngoắc đại một chiếc xe, nói muốn đến Dinh Độc Lập. Thấy chúng tôi mặc đồ bộ đội, bà chủ xe nhất quyết không lấy tiền.

Xe qua cầu Sài Gòn, tiến đến Hàng Xanh. Lúc đó, tôi thấy ngã tư này nhỏ xíu. Bên lề đường ken đầy người bán bánh mì. Bánh mì Sài Gòn khác hẳn bánh mì chúng tôi vẫn ăn ngoài Bắc, vừa to, vừa mềm. Dúi vào tay chúng tôi túi bánh mì, bà chủ xe bảo xe này không vào Dinh Độc Lập và chỉ chúng tôi cứ đi thẳng đến Sở Thú rồi hỏi tiếp đường là đến.

Cuốc bộ trên đường phố Sài Gòn ngay sau ngày giải phóng có cảm giác thật khó tả. Tôi sinh sống ở thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh; từ nhỏ cũng đã thấy nhà lầu, cũng xài điện, nước máy nên không lạ lẫm lắm. Nhưng đường phố lúc ấy rộng thênh thang, vỉa hè “bát ngát” tha hồ mà bước. Bao trùm là một bầu không khí yên tĩnh và thanh bình như thể chiến tranh chưa từng chạm đến nơi này.

Đến khi đứng trước cổng Dinh Độc Lập rồi, chúng tôi vẫn chưa dám tin mình đã đặt chân đến được nơi đã diễn ra thời khắc lịch sử của dân tộc. Trong tâm trí tôi vẫn còn lưu lại hình ảnh một Dinh Độc Lập thật to lớn, quy mô và đẹp lộng lẫy nằm bề thế giữa những ngả đường rộng lớn cùng rừng cây xanh rì phía trước.


Dinh Độc Lập những ngày đầu giải phóng

Một số người dân vẫy chào chúng tôi, số khác tỏ ra khá dè dặt nhưng không có vẻ sợ hãi hay tránh né. Tôi còn nhớ lúc đó mốt hippy đang “làm mưa làm gió” trong giới trẻ Sài Gòn. Nam, nữ thanh niên đều mặc quần ống loe, áo chẽn, tóc để dài quá vai. Do kiểu quần bó nên họ không nhét được bóp vào túi mà giắt ở thắt lưng.

Những lần vào Sài Gòn tìm người quen hay công tác sau đó, tôi dần quen với nhịp sống ở đây. Tuy vậy vẫn có nhiều chuyện cười ra nước mắt, chủ yếu là do cách dùng từ khác biệt giữa hai miền.

Có lần, tôi ra cửa hàng tạp hóa, nói với cô bán hàng là muốn mua nến. Nói mãi cô vẫn không hiểu nến là gì, tôi liền chỉ vào mấy cây nến trên sạp, cô “à” lên vỡ lẽ: “Trời đất, đèn cầy thì nói đèn cầy…”. Dần dần tôi biết thêm người miền Nam gọi “diêm” là “hộp quẹt cây”, phân biệt với “hộp quẹt máy” (loại bật lửa xăng), gọi “bánh xà phòng” là “cục xà bông”…


Đường phố Sài Gòn

Trở lại chuyến tham quan Sài Gòn “lụi”, ngắm Dinh Độc Lập xong, chúng tôi bắt xe khách về lại đơn vị. Biết thân biết phận, chúng tôi mon men theo đường mòn, nhưng không ngờ vẫn bị chỉ huy tóm tại trận.

Cả đêm đó, 13 đứa mê chơi bị bắt phạt đào hầm bở hơi tai. Dẫu vậy, tôi vẫn thấy sướng trong bụng vì đã được tận mắt nhìn thấy Sài Gòn ngay những ngày đầu giải phóng!

Trần Trọng Đạt (quận Tân Bình, TPHCM)

Lặn lội về quê sau ngày giải phóng

(NLĐO)- Sáng nay 30-4, người dân TPHCM đã được hướng dẫn tránh đi vào một số con đường gần với khu vực thiết kế lễ đài kỷ niệm Chiến thắng mùa Xuân 1975.

Hòa trong dòng người đông đảo, tôi cũng phải đi vòng vòng mới đến được một địa điểm trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Có sao đâu, chỉ là sự giới hạn giao thông tạm thời, rồi mọi người sẽ thênh thang trên những ngã đường trong những ngày lễ lớn. Thành phố bây giờ có biết bao nhiêu là con đường và cây cầu hoành tráng, tha hồ cho xe cộ xuôi ngược!

Trong sự hoài niệm về tháng 4-1975, tôi chợt bắt gặp hình ảnh của chính mình cũng có mặt trên đường phố Sài Gòn những ngày đầu giải phóng.

Hồi đó, đang là sinh viên khoa Luật năm thứ nhất, tôi đã được chứng kiến những ngày chấm dứt của chế độ Sài Gòn, rồi quân cách mạng bắt đầu công việc tiếp quản thành phố.


Đường phố Sài Gòn

Tôi thuộc vào nhóm sinh viên được triệu tập về trường, được phân công làm vệ sinh một số doanh trại, tư dinh của các tướng tá chế độ Sài Gòn đã bỏ chạy.

Chỉ một thời gian ngắn sau, biết rằng gia đình không thể chu cấp cho tôi ăn học nữa, tôi đành phải tìm đường trở về nhà ở Nha Trang.

Bây giờ, trí nhớ đã phai nhạt theo thời gian, nhưng tôi vẫn không thể nào quên sự khó khăn đã gặp phải trên đường về. Những chiếc xe đò đã phải trèo đèo, lội suối vì vài chiếc cầu bị hư hại, thậm chí có chiếc bị sập đổ.


Quân đội Cộng hòa tháo chạy từ Tây Nguyên về Nha Trang (tháng 3-1975)

Tôi nhớ, chiếc xe đò “của tôi” đã phải vòng lên Đà Lạt rồi mới từ từ đưa hành khách về đến nơi. Hành khách đã phải leo lên, leo xuống nhiều lần, đôi khi phải hợp lực đẩy chiếc xe bị ngộp máy nữa. Tổng cộng, hình như tôi phải mất vài ngày để về đến nhà.

Ôn cố tri tân. Bao gian khổ đã để lại sau lưng, nhiều người trẻ tuổi có thể không hình dung được những ngày xưa ấy. Tôi chỉ mong một điều là, từ đây đất nước được tươi đẹp, người dân được ấm no, hạnh phúc một cách trọn vẹn và bền vững.

Hạnh Thuần

Tôi suýt chết ngày 30-4 năm ấy…

(NLĐO)- Ngày thành phố chưa giải phóng tôi vẫn còn là một chú nhóc. Mới 13, 14 tuổi tôi đã thấy “…Những cánh đồng quê ứa máu. Dây thép gai đâm nát trời chiều”. Chiến tranh đã phủ lên bầu trời tuổi thơ như một màu xám đen tối, buồn bã và nỗi sợ hãi phập phồng, lửng lơ.

Ngày ấy thành phố lúc nào cũng ngập tràn sắc áo rằn ri và những người lính Mỹ viễn chinh. Hàng ngày đường phố Sài Gòn luôn rầm rập những chiếc xe nhà binh gầm rú inh ỏi chở đầy lính tráng, súng ống đạn dược lùa ra khắp các chiến trường.

Thỉnh thoảng lại nghe đâu đó có người bị xe nhà binh Mỹ cán chết. Xe nhà binh với những ông tài xế mắt xanh mũi lõ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, cởi trần phóng bạt mạng trên đường phố đã trở thành hung thần với tất cả người dân đô thị. Mỗi ngày trước khi anh em tôi đi học, mẹ tôi đều dặn đi dặn lại như đọc kinh nhật tụng “Nhớ đi sát vào trên lề đường. Coi chừng xe Mỹ đó!”.

Chiến tranh trong mắt những đứa trẻ như tôi, ở đâu đó rất xa, nhưng hàng đêm nó vẫn nhắc nhở sự hiện diện chết chóc của mình, vẫn đe dọa giấc ngủ trẻ thơ bằng những tiếng giày đinh nện trên mặt đường, bằng những tiếng đạn bom từ một nơi nào đó vọng về: “Đại bác đêm đêm vọng về thành phố. Người phu quét đường dựng chổi đứng nghe”.

Mỗi ngày chúng tôi lớn lên một ít, tóc mẹ lại bạc thêm rất nhiều, không phải vì thời gian chồng chất lên tuổi đời mà vì muộn phiền lo lắng: “Vài năm nữa thằng Hưng (anh lớn của tôi) lại phải đi quân dịch rồi!”. Những lúc như thế, tôi bá cổ mẹ và an ủi – Mẹ lo gì cho mệt, đến lúc tụi con lớn lên thì đất nước hết chiến tranh rồi còn gì.

Trên đường chúng tôi đi học, quán rượu, quán bar mọc lên như nấm, lúc nào cũng đầy ắp lính ngụy, lính Mỹ. Họ đến đó tìm sự khuây khỏa, quên đi nỗi sợ hãi chết chóc trước lúc hành quân, hoặc ăn mừng vì đã may mắn sống sót trở về.

Lớn lên một chút khi bắt đầu học trung học, tôi lại chứng kiến những cảnh xuống đường, biểu tình đốt xe Mỹ của các anh chị sinh viên và người dân thành phố. Cả thành phố sôi sục trong không khí đấu tranh. Ở trong lớp, những giờ lịch sử khi giảng về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, tiếng của người thầy giáo già như có lửa hơn.

Những ngày tháng 4, tiếng súng vọng về thành phố mỗi đêm mỗi dồn dập và gần hơn cùng lúc với những tin tức chiến sự về sự thất trận của quân đội Sài Gòn trên khắp mọi nơi. Tôi thấy những khuôn mặt người dân thành phố khấp khởi chờ đợi một điều gì đó.


Quân giải phóng tiến vào chiềm dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975. (Ảnh: Internet)

Thế rồi cái ngày mong đợi ấy cũng đã đến. Sáng 30 tháng 4 những chiếc xe tăng T54 và những người lính giải phóng đã có mặt ở trước xóm tôi. Trong lúc người lớn còn đang e dè, ngần ngại thì lũ nhóc đã chạy ra vây lấy các anh bộ đội hỏi han, chuyện trò ríu rít. Những người lính giải phóng chỉ 18, 20 gầy gò, xanh xao nhưng rất vui tính.

Dọc các đường phố, lính ngụy tháo chạy, bỏ đầy đường súng ống, quần áo. Có tiếng đứa trẻ nào tinh nghịch mách: “Lính ngụy đó chú!”. Các anh chỉ mỉm cười: “Kệ họ, bây giờ họ cũng là dân mình cả”. Rồi quay sang chúng tôi anh bảo: “Các cháu về đi, tình hình chưa yên hẳn đâu, ở đây nguy hiểm lắm”.

Bình thường bọn nhóc cũng cứng đầu khó bảo lắm, chẳng hiểu sao lần này cả đám lại nghe lời các anh. Nhờ vậy mà chúng tôi sống sót, vì khi vừa bước chân về đến cổng nhà, một chiếc F5 trên đường tháo chạy đã trút hết số bom còn lại xuống ngay chỗ chúng tôi vừa nói chuyện với các anh.

Những người lính giải phóng ngã xuống cùng với hàng chục ngôi nhà sụp đổ tan tành, hàng chục người dân vô tội chết oan; khi chỉ còn hơn một tiếng đồng hồ nữa chiếc T54 đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn thành phố.

Các anh nằm xuống giữa tuổi thanh xuân, bỏ lại sau lưng gia đình, người thân, bạn bè đồng đội và cả giấc mơ trở lại giảng đường đại học khi đất nước hết chiến tranh. Đồng đội đưa các anh về yên nghỉ ở một gò đất cao (phía sau cái xóm nhỏ của tôi) trên cánh đồng hàng ngày lũ trẻ chúng tôi vẫn ra thả diều, bắt dế.

Chiến tranh kết thúc đã lâu. 35 năm qua chúng tôi lớn lên bình yên, không còn thắc thỏm lo sợ, đạn bom chết chóc. Với riêng tôi, mỗi năm đến ngày 30 tháng 4, tôi lại nhớ đến các anh – những người chiến sĩ giải phóng đã nằm xuống ngay trên mảnh đất xóm tôi. Các anh nằm xuống để thế hệ chúng tôi có ngày hôm nay, để thành phố bình yên bay lên trên những tầm cao mới.

XUÂN VINH

Tôi háo hức đi đón quân giải phóng …

(NLĐO)- Gia đình tôi trước kia cư ngụ tại Xóm Chiếu, Khánh Hội, quận 4, Sài Gòn. Những ngày cuối tháng tư của năm 1975, và khoảng thời gian vài tháng liền kề là những ngày đầy ắp kỷ niệm mà suốt cả cuộc đời tôi không bao giờ quên được.

Ngày đó, tôi – một thằng bé gần tròn mười lăm tuổi, lứa tuổi đủ để có những suy tư và cảm nhận về những biến cố xảy ra chung quanh mình. Khi hay tin đoàn quân giải phóng sắp vào Sài Gòn, mọi người sống trong bầu khí hoang mang và hết sức hỗn loạn, bởi có tin đồn: “Việt Cộng mà vào thì Sài Gòn sẽ bị tắm máu”. Rất nhiều người sợ phát khiếp, sợ đến độ bỏ cả của cải, nhà cửa, xô nhau ùa tràn vào cảng Sài Gòn để được xuống tàu ra đi khỏi xứ. Khắp đường phố khi ấy tràn ngập người và đủ thứ tài sản mà người ta quăng lại vương vãi, cả những người lính cộng hòa thất trận bỏ chạy cũng vội vã quăng hết quân trang, quân cụ để biến mình thành thường dân.

Cha mẹ tôi quyết định ở lại với quê hương, mặc dù có những người quen đến rủ rê xuống tàu, lý do vì muốn hội ngộ với những người thân ruột thịt còn ở tận ngoài phương Bắc xa xôi. Trong những ngày u ám ấy, tôi thường ra bến tàu xem cảnh người ta chen chúc nhau ra đi, lòng buồn vô hạn, dù sao tôi cũng đã phải chia tay những đứa bạn thân ở nơi đây.

Thế rồi ngày trọng đại cũng đến, quá trưa ngày 30-4 đoàn quân giải phóng tiến vô Sài Gòn giữa một rừng cờ đỏ sao vàng của hai hàng người dân túa ra chào đón. Tôi cũng chạy ra đường Trịnh Minh Thế, trên tay có một lá cờ nhỏ mà mẹ tôi đã may sẵn và ráng chen vô dòng người, vẫy vẫy với tất cả háo hức của một đứa trẻ trước sự kiện lạ lùng mà vô cùng quan trọng của đất nước.


Đón quân giải phóng vào giải phóng Sài Gòn năm 1975 (Ảnh Internet)

Rồi những chú bộ đội xin vào ở trong nhà dân, khu xóm đầy những sắc áo lính mới. Sự tiếp xúc thân mật giữa quân và dân đã xóa đi những lời đồn hoang tưởng về tính cách của người lính giải phóng. Tôi âm thầm quan sát cách sinh hoạt của mấy chú, cảm thấy sao bộ đội hiền quá, đáng mến quá, có gì đâu mà phải sợ!

Thế là một sợi dây thân ái đã được hình thành một cách tự nhiên giữa người dân xóm và các anh giải phóng. Tôi vẫn nhớ, mình thường đem những món ăn ngon mà mẹ nấu “đi tiếp tế” vì thấy bữa ăn của các chú ít thịt cá. Những buổi tối được sinh hoạt cùng các chú bộ đội thật là vui hết biết, tôi được tham gia trong nhóm thiếu nhi Tiền Phong, được ca hát nhảy múa, được học hỏi nhiều điều hay lạ. Tôi thấy mình trưởng thành hơn từ những ngày vui chơi ấy.

Điều bất ngờ nhất đối với gia đình tôi, là trong số các chú bộ đội trú gần nhà, ba mẹ tôi đã dò tìm ra được một người cháu, mà ngày di cư vào Nam anh ấy chưa ra đời. Buổi hạnh ngộ, cả nhà tôi đầm đìa nước mắt vì hạnh phúc khi những người thân yêu chợt nhận ra nhau. Tôi cũng khóc theo dòng cảm xúc của ba mẹ, mặc dù khi ấy chưa biết ngoài Bắc và bà con nội ngoại là thế nào. Thế là quyết định ở lại với quê hương đã làm thỏa mãn khát vọng của ba mẹ tôi.

Sau đó, hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền cách mạng, gia đình tôi rời bỏ Sài Gòn để đi làm kinh tế mới tại một xã thuộc tỉnh Đồng Nai (nay thuộc tỉnh BR-VT). Tôi xa nơi tuổi thơ chan hòa nỗi nhớ một mạch liền khoảng 5 năm, mãi đến năm 20 tuổi tôi mới có dịp quay lại thành phố thân yêu này.

Ngày đầu tiên đặt chân lại trên đường phố Sài Gòn, trong lòng tôi quá đỗi bồi hồi cảm xúc. Đứng chết lặng trước ngôi trường trung học Nguyễn Trãi, nơi mà tôi đã theo học bốn năm liền cho tới ngày rời xa. Dưới chân tượng danh nhân mà trường tôi được vinh hạnh mang tên người, ở đây tôi nhớ lại thầy cô và bè bạn, nhớ thật da diết, nhớ tột cùng. Rảo bước ra đường, nhìn sang bên kia là cảng Sài Gòn đấy! Trong tôi bỗng sống lại kỉ niệm của bầu không khí chiến thắng năm nào: Ngày ấy, dọc theo con đường này, tôi hòa vào dòng người đi đón đoàn quân giải phóng đây mà.

Đi mon men suốt chiều dài bờ tường cảng Sài Gòn trong buổi chiều với nỗi trầm mặc, bâng khuâng. Lòng hồi tưởng nơi đây một thời đã từng là bến chia ly, tôi đã vĩnh viễn mất những đứa bạn và vài người thân khi con tàu mang họ ra đi vào lòng biển cả. Không thể tả hết được cõi lòng xốn xang của người xa xứ nay có dịp quay về, tôi đã ngồi hằng mấy tiếng nơi bến Bạch Đằng, chỉ ngồi lặng câm một mình để tâm hồn được tự do phiêu lãng tìm về lại những ngày tháng khi ấu thơ.

Sau đó, tôi có nhiều dịp về thành phố mang tên bác Hồ, về thường xuyên hơn vì công việc. Vui mừng khi mắt chứng kiến cảnh thay da đổi thịt của chốn xưa. Những tòa cao ốc, những khách sạn sang trọng được thiết kế thật tuyệt vời. Những con đường nay rộng rãi, khang trang hơn, đẹp xinh hơn với những hàng cây cảnh làm tăng lên nét duyên.

Mọi sự đổi thay nhiều quá! Ở bến sông năm nào, chốn ấy trước là nơi chứa và cấp xăng dầu cho tàu thuyền, thì nay là bến Nhà Rồng. Bến Bạch Đằng giờ sạch đẹp và an ninh hơn, người ra vô thư giãn thật nhàn nhã… Nhưng dù dòng thời gian có làm cho vật đổi sao dời, thì những hoài niệm thuở ấu thời vẫn không hề phai nhạt trong tâm trí tôi.

Thấm thoát thế mà đã 35 năm, từ một thằng nhóc lon ton cầm cờ đỏ sao vàng đi đón bộ đội, nay tôi đã thành một người trung niên với sự nghiệp đã ổn định. Song bao giờ cũng vậy, cứ mỗi lần về lại Sài Gòn, tôi thế nào cũng phải dong xe chạy một vòng qua những con đường xưa cũ: Đường Tôn Thất Thuyết có ngôi trường tiểu học, suốt năm năm tôi đã đều đặn ra vào nơi ấy; đường Nguyễn Tất Thành với trường Nguyễn Trãi thân thương; đường Tôn Đản, nơi có ngôi nhà của cô giáo tôi yêu kính nhất hồi tiểu học. Rồi cầu Tân Thuận, chợ Xóm Chiếu, bến đò Thủ Thiêm, tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo uy nghi…

Tôi đi trong hồi ức, đi trong niềm rung động tự đáy lòng mình, đi để được ngoảnh mặt nhìn lại tuổi thơ. Đường phố Sài Gòn vốn náo nhiệt, thế mà mỗi lần được đi như thế, tôi nghe tâm hồn mình thanh thản đến lạ lùng, tự dưng tôi thấy mình nhỏ bé lại như cái ngày nào.

Dù nay không còn được sống tại Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh nữa, nhưng tôi vẫn cứ tự hào vì mình đã từng là thị dân có một phần quãng đời trong nơi ấy, và còn hãnh diện là người công dân được đón giải phóng quân vào thành đô trong biến cố của lịch sử ngày 30-4-1975.

Sơn Khê

Một quyết định lịch sử của ba tôi

(NLĐO) – Ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi… chưa có mặt trên đời. Nhưng câu chuyện ba tôi kể lại về ngày 30-4 của ông thật ly kỳ. Thú thật, lúc đó nếu ba tôi không kịp suy nghĩ lại thì tôi cũng vĩnh viễn không có dịp kể cho các bạn nghe câu chuyện này.

Ba tôi là thợ may có tiếng ở đất Gia Định (quận Bình Thạnh bây giờ) nhưng ông bị bắt quân dịch và bất đắc dĩ trở thành… lính ngụy. Từ nhỏ đến lớn, ông chuyên cầm kim chỉ, nay bị buộc cầm súng đúng là như 1 cực hình.

Ông kể: “Nghe nhiều người chỉ bảo, ba lấy ống tiêm bơm… nước mắm vào rồi chích ngón chân cho…thúi luôn. Làm vậy để không bị đưa ra chiến trận. Nhưng bao nhiêu đó chưa đủ, ba đành phải nhờ người “đút lót” mới được làm lính kiểng đóng ở Long An”.

Trốn chạy khỏi Sài Gòn

Trước giải phóng 2,3 ngày, ba tôi vẫn ở trại lính Long An. Ông sốt ruột, lo lắng cho vợ con bơ vơ ở đất Sài Gòn đang ngóng đợi mình. Một tay đại tá ngụy ở trại thấy ba tôi hiền lành nên thương và cho ông 1 suất… di tản sang Mỹ. “Lúc đó, ba chẳng biết chọn lựa ra sao. Bụng thì không hề muốn đi xa vợ con nhưng ở lại liệu có bị…bắn hay không? Cuối cùng vợ con thắng Mỹ: về nhà dù có phải…chết”, ba tôi hạ quyết tâm như vậy.

Ngoài đường thì hỗn tạp tùm lum, xe cộ chạy tứ tán chẳng tìm được chiếc nào, ông đành… lội bộ về Sài Gòn. Sợ bị quân giải phóng phát hiện, đi được vài bước ông vội trút bỏ bộ đồ lính. Nhưng mặc đồ phong phanh cũng không ổn, ba tôi tắp đại nhà dân xin…quần áo!

Quân ngụy vứt bỏ quần áo đầy đường để trốn chạy hoặc tìm về gia đình

Đường từ Long An về Sài Gòn không xa, nhưng ba tôi đi 2 ngày mới tới vì vừa cuốc bộ vừa tránh né sợ bị phát hiện là lính ngụy.

“Đến khi đặt chân vô nhà, ba đuối quá trời nhưng nhìn thấy mấy mẹ con còn đầy đủ thì mừng muốn khóc luôn”, ông kể.

35 năm trôi qua, nhà tôi được “bổ sung” 3 anh em nữa, trong đó có tôi. Ba tôi trở lại nghề thợ may ngay sau khi học tập cải tạo 3 tháng. Công việc làm ăn cũng thăng trầm như mọi người, nhưng từ nghề may của ông mấy anh em tôi được học hành đàng hoàng, công ăn việc làm tốt đẹp, thành gia lập thất…

Lính ngụy ra trình diện ngày giải phóng

Ba tôi vừa qua đời sau cơn bạo bệnh trước ngày 30-4-2010. Dù không kịp mừng 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng tôi biết chắc chắn đó mãi mãi là ngày lịch sử của ông. Bởi quyết định ở lại của ông là không sai lầm vì những gì mà ông có được không phải là cảnh trả thù, tù đày mà là một cuộc sống yên bình, một mái ấm gia đình hạnh phúc…

Anh Thanh (Bình Thạnh)