Cuộc tháo chạy tai họa

Cách đây 36 năm, chiến dịch Tây Nguyên bất ngờ, thần tốc đã giáng một đòn chí tử làm ngụy quyền choáng váng, bỏ Tây Nguyên tháo chạy. Tạp chí Time của Mỹ số ra ngày 31-3-1975 đã có một bài phân tích dài, đánh giá cuộc rút lui này là một tai họa, báo hiệu sự kết thúc của chế độ Sài Gòn cũ. Xin giới thiệu bài viết với bạn đọc.

Kỳ 1: Quyết định ngạc nhiên của Nguyễn Văn Thiệu

“Mất Plei-cu. Mất Kon Tum. Mất Buôn Ma Thuột. Mất Huế. Mất tất cả”, một nhân viên xuất nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất nói.

Cuộc chiến tưởng còn lâu mới tới hồi kết tại miền Nam Việt Nam đã chuyển hướng đầy bất ngờ. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã buộc phải từ bỏ ¼ lãnh thổ miền Nam Việt Nam – 7 tỉnh với dân số ước tính hơn 1,7 triệu người – khi bị Việt Cộng tấn công. Trên những con đường làng và quốc lộ ven biển đầy bụi đã diễn ra cuộc tháo chạy lớn nhất kể từ khi Việt Nam bị chia cắt. Các lực lượng tăng cường của Việt Cộng đã tiến hành chiến dịch công kích ác liệt nhất kể từ dịp lễ Phục sinh năm 1972.

Quyết định từ bỏ các tỉnh, thành phố dường như còn khả năng phòng thủ của Tổng thống Thiệu khiến cho hầu hết mọi người phải ngạc nhiên, kể cả cơ quan tình báo của Mỹ. Những bước tiến thần tốc của lực lượng Việt Cộng cũng tạo ra sự choáng váng không kém.

Hai tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Giêm Xle-sinh-gơ (James Schlesinger) vẫn còn nói cứng rằng, sẽ không có bất kỳ cuộc công kích lớn nào của Việt Cộng cho đến năm 1976, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Có thể do Đại sứ Gra-ham Mác-tin (Graham Martin) đang nghỉ phép ở quê nhà và cũng có thể là do Tổng thống Việt Nam Cộng hòa hờn dỗi việc Oa-sinh-tơn rút khỏi cuộc chiến và không tăng viện trợ nên đã không tham vấn các quan chức Mỹ trước quyết định liều lĩnh của mình. Nhưng ngay cả nhiều tư lệnh của quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng chỉ biết việc tháo chạy qua báo chí Sài Gòn.

Kon Tum và Đắc Lắc ở Tây Nguyên là các tỉnh thất thủ đầu tiên. Sau đó là đến lượt Quảng Trị, một tỉnh ở phía Bắc Vùng 2 chiến thuật đóng quân bị thất thủ hoàn toàn. Mặc dù Sài Gòn chưa chính thức tuyên bố, song Thừa Thiên, bao gồm cả Cố đô Huế có vẻ cũng đã rơi tay vào Bắc Việt. Một tỉnh phía Nam là Phước Long chỉ cách Sài Gòn khoảng 80 km đã rơi vào tay Cộng sản từ đầu năm 1975. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành khác ở miền Nam Việt Nam cũng đang bị lực lượng Cộng sản đe dọa nghiêm trọng.

Ngụy quân tháo chạy khỏi Tây Nguyên sau khi Plei -cu thất thủ. Ảnh: tư liệu internet

Thiệu cho rằng quyết định rút lui của mình như canh bạc sinh tử nhằm cứu vãn tình thế. Ông ta hi vọng rằng đây là cuộc tháo chạy cuối cùng. Tuy nhiên, đối với những người Mỹ tham chiến tại ViệtNam thì việc đầu hàng là vô cùng tồi tệ.

Dưới sự áp tải của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, hơn nửa triệu thường dân (?) đã di tản bằng xe máy, xe bò, xe đạp và bằng chân đến những nơi mà Sài Gòn còn kiểm soát. Khoảng 200.000 người rời Quảng Trị, Huế chạy vào Đà Nẵng. Hàng trăm nghìn người từ Tây Nguyên đổ về miền duyên hải. Tại Vùng 2 chiến thuật, thành phố nghỉ dưỡng Đà Lạt bỗng nhiên  không còn một bóng người dù chưa có bất kỳ dấu hiệu tấn công nào của Việt Cộng. Hàng không Việt Nam tăng chuyến, từ một lên 5 chuyến bay mỗi ngày từ Đà Lạt về Sài Gòn. Giá vé chợ đen leo lên mức 300 USD, trong khi giá bình thường là 9,5 USD.

Hầu hết những người di tản và thậm chí cả đội quân tháo chạy cũng không bị Việt Cộng tấn công. Thậm chí, tại Quảng Trị, ban đêm xe tăng của Việt Cộng còn rọi đèn cho người dân di chuyển. Những người tị nạn di tản vì nhiều lí do. Nhưng không ít người sợ trúng bom khi quân đội Sài Gòn phản công. Thực tế, ngay sau Hiệp định Pa-ri, Sài Gòn thường xuyên không kích các vùng đất do Việt Cộng kiểm soát.

Tại Sài Gòn, lệnh giới nghiêm ban đêm được kéo dài thêm 2 giờ, bắt đầu từ 22 giờ. Thậm chí những tên ngỗ ngược nhất, hay những người bán hàng rong cũng ra khỏi những con phố trước giờ giới nghiêm 1 giờ đồng hồ. Thủ đô của Việt Nam Cộng hòa có vẻ còn khá bình yên. Nhưng đó là sự bình yên mong manh.

Kỳ 2: Quyết định “Vẽ lại bản đồ chính trị Việt Nam”

Quyết định tháo lui của Thiệu có lẽ  bắt nguồn từ việc ông ta lo ngại sức mạnh của Bắc Việt. Lầu Năm góc tin rằng, hiện đã có 16 sư đoàn  Bắc Việt Nam ở miền Nam. Hình như, ông Thiệu cũng cho rằng việc tái chiếm các vị trí chiến lược ở phía bắc và Tây Nguyên là bất khả thi sau chiến thắng của Việt Cộng ở Buôn Ma Thuột. Cuộc tấn công vào Buôn Ma Thuột đã buộc quân đội Việt Nam Cộng hòa trải mỏng từ Kon Tum qua Plei-cu tới Buôn Ma Thuột, dọc theo đường 14. Trong một động thái tuyệt vọng, Tổng thống Thiệu đã lệnh cho hai trung đoàn thuộc Sư đoàn 23 ở Plei-cu tới ứng cứu  Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, hai trung đoàn này lại bị quân đội Việt Cộng đánh bật ra xa Buôn Ma Thuột. Sau ba ngày giao tranh, một lượng lớn quân đội Việt Nam Cộng hòa bị tiêu diệt hoặc đầu hàng, số còn lại chạy thoát thân về phía biển.

Bị quân giải phóng tấn công, binh lính ngụy ở Plei-cu kéo cờ trắng ra hàng. Ảnh tư liệu.

Sư đoàn 23 của Việt Nam Cộng hòa bị thiệt hại nặng khiến tình hình phòng thủ của Plei-cu rơi vào bế tắc. Cùng lúc, chính quyền Sài Gòn lại được tin thất bại thảm hại ở Kon Tum. 4 sư đoàn của Bắc Việt hiện đã có mặt ở Tây Nguyên. Thiệu đã bí mật gặp tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Vùng 2 chiến thuật vào ngày 14-3. Tổng thống Thiệu đã ra quyết định rút lui chiến lược. Bốn lữ đoàn biệt động phòng ngự ở Kon Tum được lệnh rút theo hướng đông nam tới tỉnh Phú Yên. Vài ngày sau,  lực lượng ở Plei-cu cũng bỏ chạy.

Tướng Phú rời Bộ tư lệnh Vùng 2 chiến thuật từ phía nam Plei-cu xuống Nha Trang. Tại Kon Tum, 68 phi cơ đã không thể bay do thiếu phụ tùng thay thế hoặc đã bị phá hủy để tránh rơi vào tay đối phương. Do bộ binh Việt Nam Cộng hòa đã di chuyển theo hướng nam, nên Không quân Việt Nam cộng hòa đã đánh sập các cây cầu sau khi các toán quân rút chạy băng qua.

Trong lúc rút khỏi Tây Nguyên, Thiệu đã ra một quyết định quan trọng khác trong việc vẽ lại bản đồ chính trị Việt Nam. Ông ta bay ra Đà Nẵng để trao đổi với tướng Ngô Quang Trưởng, người được Sài Gòn coi là tư lệnh giỏi nhất của quân đội Việt Nam Cộng hòa, và tiến hành kế hoạch đã vạch ra mấy tháng trước: Lùi tuyến phòng ngự từ Quảng Trị vào Đà Nẵng. Tướng Ngô Quang Trưởng đã mất những binh sĩ thiện chiến nhất khi Tổng thống Thiệu ra lệnh cho 4.000 lính dù trở về Bộ tư lệnh của lực lượng này ở gần sân bay Tân Sơn Nhất.  Thiệu cho rằng, việc tăng cường phòng thủ ở Sài Gòn là rất cần thiết, phòng khi Cộng sản tập trung lực lượng tấn công Sài Gòn. Việc chuyển quân này đã khiến Huế bị sốc. Không nhận được chỉ thị từ chính quyền Sài Gòn song thị trưởng Huế vẫn ra lệnh di tản.

Chiến lược của Sài Gòn đã rõ ràng: Rút lui khỏi Tây Nguyên để bảo đảm quân số phòng thủ miền Nam Việt Nam. Một nhà phân tích của Lầu Năm góc nói rằng, từ giờ sẽ phải “vẽ một bản đồ rút ngắn của miền Nam Việt Nam”. Nó sẽ bao gồm cả phần lớn Vùng 3 và Vùng 4 chiến thuật, 11 tỉnh xung quanh Sài Gòn, 15 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một vài điểm phòng ngự lẻ tẻ dọc bờ biển phía bắc Đà Nẵng.

Bản đồ này giống với một bản mà tướng Mỹ nghỉ hưu Giêm Ga-vin (James Gavin) vẽ năm 1966. Ông này cho rằng, lực lượng Mỹ nên rút về đóng ở các  khu vực dễ phòng ngự dọc theo bờ biển miền Nam Việt Nam, như Nha Trang, Cam Ranh, Quy Nhơn và Đà Nẵng. Những thành phố đông dân này có tiềm lực về mặt kinh tế và quân sự. Đây cũng là những nơi có các cơ sở quan trọng như cảng biển và sân bay. Mặc dù lúc đó hầu hết các chuyên gia quân sự Mỹ bác bỏ kế hoạch của Ga-vin, song hiện nay nhiều người trong số họ lại đánh giá cao chiến lược rút lui của Thiệu.

Ga-vin (sau khi về hưu làm Chủ tịch tập đoàn Arthur D. Little) lại cho rằng kế hoạch rút quân của Thiệu không giống nhiều với kế hoạch trước kia của ông ta, vốn được thiết kế như bước tháo lui chiến thuật đầu tiên để Mỹ rút chân khỏi bãi lầy Việt Nam. Ga-vin tỏ ra khá bi quan về cơ hội thành công của chiến lược mà Thiệu đang triển khai. “Tình hình rõ ràng đang  nằm ngoài  khả năng kiểm soát của Thiệu. Tôi thấy cơ hội để Sài Gòn tự cứu mình rất mờ mịt”, Ga-vin nói.

Khánh Linh (biên dịch)