Thơ ngày Chiến thắng

QĐND Online – Ngày toàn thắng 30-4-1975 trở thành một dấu mốc quan trọng trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Miền Nam yêu dấu được giải phóng, đất nước Việt Nam thống nhất “từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”. Mở ra một trang sử mới tươi đẹp và thiêng liêng của dân tộc. Trong không khí hân hoan của giờ phút lịch sử ấy, nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại những xúc cảm không thể nào quên:

Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp
Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta
Chúng con đến, xanh ngời ánh thép
Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa.

Cho chúng con giữa Vui này được khóc
Hôn mỗi đứa em, ôm mỗi mẹ già
Như lòng Bác, mỗi khi Bác đọc
Đồng bào miền Nam, mắt kính bỗng nhoà.
(Toàn thắng về ta)

Nếu như những thước phim tư liệu, những tác phẩm nhiếp ảnh, báo chí… ghi lại từng khoảnh khắc chân thực của ngày chiến thắng thì thơ ca lại gợi cho người đọc niềm cảm xúc hân hoan như thể ta đang được đi dưới màu cờ hoa rực rỡ của ngày 30-4 ấy. Chính cảm xúc đã giúp cho những hình ảnh kia luôn có sức sống, tạo ra một sự chuyển động như thể đang diễn ra trước mắt, xoá nhoà khoảng ngăn cách của thời gian.

Xe tăng húc đổ cổng rào và tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu/internet.

Hình ảnh đoàn quân chiến thắng tiến vào thành phố Sài Gòn được nhà thơ tái hiện như một cuộc gặp gỡ của một gia đình ấm cúng. Những “em”, những “mẹ” trong vòng tay của những người con miền Bắc đã nói lên tất cả: Ngày đoàn tụ thiêng liêng nhất của dân tộc là đây. Thời khắc mà vị Cha già kính yêu đã từng mong mỏi, đã từng nhoà nước mắt khi nhắc đến “Đồng bào miền Nam” ruột thịt thân thương.

Cũng với niềm cảm xúc ấy, nhà thơ Bằng Việt, với đôi chân của người phóng viên chiến trường đã theo sát những bước tiến của cuộc Tổng tiến công mùa xuân lịch sử. Dường như không kìm nén được những xúc cảm anh đã thốt lên những câu thơ mộc mạc mà sâu lắng trong đêm 30-4 năm ấy:

Đi giữa phố, khóc cười như trẻ nhỏ…
Cái giây phút một đời người mới có
Thật đây rồi, vẫn cứ nghĩ như mơ.

Niềm vui của người phóng viên trẻ khi được kết tinh trong một câu thơ đầy hứng khởi: “Cái giây phút một đời người mới có”. Giây phút ấy quý giá vô ngần, bỗng dưng lại được trở về hồn nhiên như trẻ nhỏ, bỗng dưng không tin nổi những gì đang chứng kiến bởi chiến thắng ấy kì vĩ như một huyền thoại, lung linh như một giấc mơ.

Nhưng bên cạnh gam màu vui tươi, thơ viết trong ngày toàn thắng còn mang một gam màu trầm lắng, suy tư của thế hệ những người lính luôn ý thức được sứ mệnh của lịch sử:

Ta vào Sài Gòn… theo lời Di chúc
Vào nội ô sáng rực tên Người
Sài Gòn nhìn ta bằng đôi mắt
Ba mươi năm trông ngóng Sài Gòn ơi!
(Nguyễn Bá)

Nhà thơ nhìn thành phố Sài Gòn hoa lệ bằng cái nhìn xuyên thấm của chiều sâu nội cảm. Nhìn thấy đôi mắt của Sài Gòn mỏi mòn trông ngóng từ độ Mậu Thân, đôi mắt chờ mong của nhưng người dân yêu nước và yêu chuộng hoà bình. Ba mươi năm đồng bào ta đã phải chịu bao nhiêu hi sinh vất vả. Giờ đây tất cả đã bừng sáng với tên gọi thiêng liêng: Thành phố Hồ Chí Minh yêu dấu.

Nhắc đến thắng lợi ấy, còn phải nhớ về những gian lao, vất vả, những hi sinh trên chặng đường tiến vào giải phóng Sài Gòn . Nhà thơ Ngô Thế Oanh nhớ đến những đồng đội đã anh dũng ngã xuống không được chứng kiến ngày toàn thắng:

Quân phục đẫm mồ hôi bụi đất
Chiếc bi-đông chuyền tay cứu khát
Những vòm sao cao vút trên đầu
Cụm mây trắng tinh di động về đâu.
Đồng đội của tôi, đồng đội của tôi
Nói gì được nữa đây trong buổi mai toàn thắng.
(Khoảng lặng yên tháng tư)

Người con của miền Bắc hân hoan được gặp những “mẹ”, những “em” của miền Nam ruột thịt bởi niềm vui đất nước được toàn vẹn, niềm vui được nhân lên. Trong khí ấy, những người con miền Nam nghẹn ngào cảm xúc khi được trở về mảnh đất quê hương sau bao ngày xa cách:

Chúng con đi mờ khuất dãy Trường Sơn.
Tôi cúi xuống hôn mảnh đất quê hương
Như hôn người yêu sau ngày xa cách
Tôi không khóc nhưng bỗng trào nước mắt
(Con đã về với mẹ quê hương)

Hình ảnh nước mắt trào lên đôi mắt người chiến sĩ miền Nam thật cảm động và giàu sức gợi. Đó là những gì đã kìm nét suốt ba mươi năm lịch sử để mong ngày đoàn tụ. Là một tinh thần bi tráng được thể hiện trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc. Đã bao lần giặc tàn phá quê hương miền Nam, nhưng người chiến sĩ đã biết kìm nén đau thương để biến nó thành một sức mạnh quật khởi. Và cũng chính sức mạnh ấy đã làm nên một chiến thắng vĩ đại như thế.

Hơn ba mươi năm đã trôi qua. Đọc lại những vần thơ chiến thắng trong ngày 30-4 này chúng ta như được sống lại với cảm xúc và không khí của thời khắc ấy. Những vần thơ đã được khắc ghi trong lòng bạn đọc và sẽ mãi còn được ngân vang như một khúc khải hoàn dưới màu cờ hoa rực rỡ.

Bùi Việt Phương

qdnd.vn