Chọn hướng tiến công chiến lược – sự sáng suốt của Đảng ta

Ngày này cách đây 36 năm, Chiến dịch Tây Nguyên – chiến dịch mở đầu cuộc tiến công chiến lược đã kết thúc (từ ngày 4 đến 24-3-1975). Thắng lợi của chiến dịch đã tạo ra đột biến về chiến lược và điều kiện thuận lợi để phát triển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược đó là sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tham mưu trưởng Chiến dịch.

– Thưa Trung tướng, về Chiến dịch Tây Nguyên có rất nhiều điều để nói, nhưng theo Trung tướng điều đáng nói trước hết là gì ?

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên trước hết là thắng lợi trong việc đánh giá đúng tình hình để chọn đúng hướng tiến công chiến lược. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước một cách khoa học, Đảng ta nhận thấy thời cơ giải phóng miền Nam đã tới. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đi đến thống nhất giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976. Tuy nhiên, chọn nơi nào làm hướng tiến công chiến lược là vấn đề không hề đơn giản.

Khi bàn đến chọn hướng tiến công chiến lược, lúc đầu có hai luồng ý kiến. Một số ý kiến cho rằng, nên chọn Nam Bộ, đánh thẳng vào Sài Gòn – nơi hiểm yếu và mạnh nhất của địch. Xét về mặt nguyên tắc, nếu đập tan được nơi ấy sẽ làm rung chuyển toàn miền Nam. Làm được như vậy thì quá tuyệt vời, nhưng sức lực của ta khi ấy liệu có đủ khả năng làm việc đó? Một luồng ý kiến cho rằng, nên chọn Tây Nguyên.

– Nhiều nhà quân sự cho rằng, Tây Nguyên là địa bàn địa chính trị, địa chiến lược, địa quân sự quá quan trọng. Ý kiến của Trung tướng thế nào?

Trở lại quá khứ chúng ta sẽ thấy, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Tây Nguyên – địa bàn chiến lược quan trọng này được cả phía ta và phía địch đặc biệt quan tâm. Chẳng thế mà khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã từng tuyên bố: Nếu ai chiếm, giữ được Tây Nguyên thì sẽ làm chủ ba nước Đông Dương. Còn với đế quốc Mỹ thì khi chúng trực tiếp đưa quân vào xâm lược miền Nam Việt Nam, cùng với đổ bộ vào Đà Nẵng, chúng cũng nhanh chóng đưa đại quân lên khống chế địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Chúng coi Tây Nguyên là mái nhà của bán đảo Đông Dương. Do vậy, Mỹ đã đưa lên Tây Nguyên những lực lượng tinh nhuệ nhất mà chúng có, trong đó phải kể tới là: Sư đoàn Kỵ binh không vận số 1 – “Anh cả đỏ”; Sư đoàn bộ binh tinh nhuệ số 4, Sư đoàn “Tia chớp nhiệt đới” – 25… nhằm quyết chiếm giữ, khống chế toàn bộ khu vực Trung Đông Dương, giữ thế cho chiến trường Trung Trung Bộ và nối liền với chiến trường Trị Thiên ở phía Bắc, chiến trường Nam Trung Bộ ở phía Nam, cùng với chiến trường Trung Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia.

Đối với Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chúng ta đều chọn Tây Nguyên làm chiến trường chính để đối chọi với Mỹ – ngụy. Sở dĩ như vậy là để phát huy tối đa những yếu tố thuận lợi về địa hình, sở trường đánh địch ở địa hình rừng núi của quân ta. Địch quyết giữ, còn ta thì quyết đánh. Chính vì thế Tây Nguyên luôn là chiến trường rất ác liệt. Ở đây đã diễn ra nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch. Đặc biệt là tiểu đoàn quân Mỹ đầu tiên bị ta tiêu diệt cũng chính tại Mặt trận Tây Nguyên trong Chiến dịch Plây-me. Những thắng lợi vang dội, liên tiếp từ các trận đánh, các chiến dịch đã từng bước tạo ra thế trận, cục diện có lợi cho quân và dân ta… Với vị trí, ý nghĩa vô cùng quan trọng về chiến lược như thế, nếu ta giải phóng được Tây Nguyên sẽ làm rung chuyển toàn bộ chiến trường Việt Nam.

– Trước chiến dịch Tây Nguyên ta đã có các hoạt động nghi binh, lừa địch và trên thực tế nó đã được thực hiện rất thành công?

– Đúng thế. Nhưng theo tôi đó phải gọi là một “Chiến dịch nghi binh” mới đúng, bởi nó được xây dựng và tổ chức có quy mô và rất bài bản, thành kế hoạch rõ ràng, dùng hẳn một sư đoàn (Sư đoàn 968) để làm nhiệm vụ này chứ không phải chỉ là một vài hoạt động nghi binh mang tính đơn lẻ. Theo đó, Sư đoàn 10 đang đứng chân ở Kon Tum và Sư đoàn 320 đứng chân ở Plei-ku tạo ra các hoạt động làm ra vẻ như vẫn đứng chân tại chỗ. Do đã đụng đầu với 2 sư đoàn này nhiều lần trong các mùa khô trước đó nên quân Mỹ – ngụy ở Tây Nguyên kháo nhau rằng: Muốn biết mùa khô năm nay Việt cộng đánh ở đâu thì hãy xem Sư đoàn 10, Sư đoàn 320 cơ động theo hướng nào. Từ phán đoán mang tính chủ quan như vậy nên khi thấy Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 vẫn đứng nguyên tại chỗ, quân địch yên trí sẽ không có gì đáng lo. Nhưng trên thực tế ta đã dùng một trung đoàn của Sư đoàn 968 bí mật hành quân từ Hạ Lào về Kon Tum thế vào vị trí của Sư đoàn 10 và dùng Sư đoàn 968 (thiếu) cơ động về Plei-ku thế chỗ của Sư đoàn 320. Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 bí mật cơ động về Nam Tây Nguyên. Hệ thống thông tin liên lạc cả vô tuyến (15W), hữu tuyến vẫn giữ nguyên con người và trang bị, phát sóng hoạt động đều đều không một động thái nào khác trước. Trên thực tế một lực lượng thông tin khác đã được thành lập để bảo đảm cho hoạt động chỉ huy tác chiến của 2 sư đoàn này. Mặt khác ta dùng bộ đội công binh và huy động nhân dân mở đường từ phía Tây Plei-ku lên bao lấy Kon Tum. Ta nghi binh giỏi đến mức người dân cũng cứ tưởng bộ đội sắp tiến đánh Kon Tum. Ngay cả khi Bộ tư lệnh Mặt trận giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 968 đánh Đồn Tầm và quận lỵ Thanh An… khi nhận nhiệm vụ đồng chí Thanh Sơn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 968 còn hỏi lại tôi: “Sư đoàn 968 đánh thật hay đánh giả hả thủ trưởng”. Tôi trả lời: “Anh đánh thật còn tôi thì là giả”… Bằng “chiến dịch nghi binh” ấy quân ta đã lừa được địch điều chuyển lực lượng, tạo ra sự chủ quan, sở hở theo đúng ý đồ của ta, kết hợp với cài thế “trói” địch lại trên các hướng chúng ta đã tạo được ưu thế áp đảo tuyệt đối ở Tây Nguyên.

Trên cơ sở xem xét kỹ tình hình, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược. Để bảo đảm chiến dịch chắc thắng, sau khi hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, Bộ tư lệnh Chiến dịch quyết định chọn Buôn Ma Thuột để đánh trận mở đầu – trận then chốt quyết định. Đây là một đòn đánh hiểm, đánh vào chỗ địch khá mạnh nhưng có sơ hở, và đặc biệt là vừa với sức lực của ta. Nếu ta giải phóng được Buôn Ma Thuột thì sẽ phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch, tạo ra thời cơ thuận lợi, nhanh chóng giải phóng Tây Nguyên, chia cắt chiến trường miền Nam thành hai khu (Huế – Đà Nẵng và Sài Gòn). Đồng thời, sẽ tạo thời cơ thuận lợi để ta phát triển lực lượng tiến công xuống giải phóng vùng đồng bằng Khu 5 và các tỉnh miền Đông Nam Bộ…

– Và mọi sự đã diễn ra đúng như dự kiến, thưa Trung tướng?

– Đúng vậy, thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên đã làm chuyển biến thế chiến lược có lợi cho quân và dân ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể nói nếu không có chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi thì chưa thể có đòn tiến công chiến lược giải phóng Huế – Đà Nẵng và đặc biệt là chưa thể có cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

– Xin Trung tướng cho biết, bài học về chiến dịch Tây Nguyên có ý nghĩa thế nào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay ?

– Bài học từ chiến dịch Tây Nguyên vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Và, bài học sâu sắc nổi bật cho mọi thời kỳ, mọi giai đoạn cách mạng, lúc chiến tranh cũng như trong hoà bình, đó là việc đánh giá đúng vị trí, ý nghĩa chiến lược của địa bàn Tây Nguyên; xác định đúng quyết tâm chiến lược và phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Ngày nay, Tây Nguyên càng trở nên quan trọng. Giá trị của Tây Nguyên không chỉ có hôm qua, hôm nay mà còn mãi mãi về sau. Địa bàn Tây Nguyên là nơi các thế lực thù địch sẽ nhòm ngó tới đầu tiên để thực hiện âm mưu, thủ đoạn chống phá Việt Nam. Vì thế có thể xem đây là địa bàn rất nhạy cảm. Việc phát triển kinh tế – xã hội gắn với củng cố quốc phòng – an ninh trên địa bàn Tây Nguyên cần sự nhạy bén, nhưng phải hết sức thận trọng, tính toán trước, sau kỹ lưỡng. Phát triển kinh tế – xã hội phải đi đôi với xây dựng thế trận QP-AN, cũng như xây dựng LLVT nhân dân trên địa bàn chiến lược quan trọng này.

– Xin cảm ơn và kính chúc Trung tướng dồi dào sức khỏe, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kim Lân (ghi)

Đã đóng bình luận.