Vỡ òa thời khắc lịch sử

Sáng 30- 4-1975, trời Hà Nội mát dịu và lất phất mưa. Người đi đến công sở như mọi ngày bình thường. Chung quanh Câu lạc bộ Thống Nhất vẫn đông người, nhất là bà con miền Nam.

Có những giờ phút ấy… (Bài 2)

Các loa công cộng mắc trên cây sấu, cây xà cừ chung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm vẫn tiếp tục phát tin và nhạc quân hành. Loa mắc ở thân cây, thân cột điện, loa đặt ở cửa sổ nhà cao tầng đến nỗi ta ngồi trên xe hoặc đi bộ chung quanh Bờ Hồ cũng dễ dàng nghe trọn ven một bản tin mà ai cũng thích nghe, nghe chăm chú, nghe mê mải. “Tiến về Sài Gòn, ta tiến về Sài Gòn” Bằng giọng xúc động, chị phát thanh viên đọc đi đọc lại tư liệu “Sài Gòn thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” đăng ở báo Nhân Dân số ra ngày 29-4-1975, mở đầu bằng câu: Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia định, Đồng Nai thì về; càng làm cho Hà Nội, cho miền Bắc thấy Sài Gòn, thấy miền Nam thật gần gũi, thật thiết tha.

Và thời điểm lịch sử tất yếu mà lạ lùng đã đến! Tất cả như gọi nhau đổ ra sân nhà, ngõ phố, đổ ra đường! Trên các đường phố, các khu tập thể, chung quanh Hồ Gươm… như choáng ngợp trước tin chiến thắng vĩ đại:

– Bà con ơi! Đồng bào, đồng chí ơi! Anh chị em ơi! Sài Gòn đã được giải phóng rồi!

– Cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam kéo lên ở dinh Độc Lập rồi! Ngụy quyền Sài Gòn đầu hàng rồi!

Đây đó người ta bàng hoàng reo lên trong dòng lệ. Hà Nội cười. Hà Nội khóc. Trái tim Tổ quốc đang đập những giờ phút xúc động nhất. Sau đó chúng tôi lặng đi. Nhiều người thút thít khóc. Ở giây phút thiêng liêng này ai cũng nghĩ tới bao đồng bào, đồng chí, cán bộ chiến sĩ đã hy sinh, góp phần làm nên chiến thắng hôm nay.

Đó là giữa trưa 30-4. Một đời người không dễ mấy ai được sống thời diểm đẹp đẽ ấy của đất nước- thời điểm mà mỗi người hằng thiết tha, ước mơ, chờ đợi, trong suốt mấy mươi năm trời.

Sau những giờ phút chói lòa của buổi trưa 30-4, đường phố Hà Nội tiếp tục tràn ngập những dòng người mỗi lúc một đông. Gặp người thân là ôm chầm. Chưa quen, người ta cũng có thể bắt chuyện cười nói vui vẻ. Những bà cụ bán nước chè thuốc lá ở vỉa hè, ông bán phở, chị bán hàng rong cũng tung khăn, tung nón trước sự kiện diễn ra lớn quá, tuyệt trần quá! Chưa bao giờ họ tỏ rõ tình cảm mãnh liệt giữa đường phố như ngày này. Tất cả nỗi khát khao được chứa đựng từ lâu như dồn cho ngày hôm nay. Ai nấy như muốn hòa thân xác mình, trộn tâm hồn, tình cảm của mình với thành phố Sài Gòn, với miền Nam, với đất nước quang vinh.

Đêm 30-4, chung quanh hồ Hoàn Kiếm thật sự là một ngày hội lớn, thật sự là một hội hoa đăng của muôn người, muôn trái tim hướng lòng mình về thành phố Sài Gòn, về miền Nam, về Cà Mau xa xôi mà gần gũi. Bên những chứng tích của cuộc chiến đấu vừa qua, người Hà Nội đã tự hào chia máu, chia lửa, chia gạo với miền Nam để làm nên chiến thắng hôm nay. Chúng tôi, trong đó có mấy anh bạn người Sài Gòn chen những đợt sóng người đầy màu sắc mà nói về bến Nhà Rồng, cột cờ Thủ Ngữ, nói về Hóc Môn, Bà Điểm, Củ Chi, nói về dòng Bến Nghé, Nhà Bè, nói về Dinh Độc Lập, Tòa đại sứ Mỹ. Giờ này trong ấy đang cùng Hà Nội, đang cùng cả nước vui niềm vui lớn. Một người nói: “Chúng ta không hổ thẹn với trống đồng, không hổ thẹn với những người đã nằm xuống vì sự nghiệp cao đẹp của họ”.

Rồi tôi nghĩ đến Côn Đảo, Phú Quốc và bao nhiêu nhà tù khác ở miền Nam. Không hiểu cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã biết được cái tin lớn lao này chưa? Tính mạng của anh chị em ấy ra sao? Ngổn ngang bao nỗi vui và lo lắng.

Đêm 30-4, anh em bạn bè người nước ngoài ở Hà Nội cũng cùng xuống đường chung hưởng chiến thắng với ta. Bằng phong cách riêng, họ ca hát, nhảy múa, tặng hoa cho người Việt nam. Các bạn cán bộ, công nhân viên ở Đại sứ quán Cu Ba, bên cạnh khu tập thể của tôi,, một nách kẹp chai rượu, một nách ôm đàn hát những bài hát vui, hoặc nói đôi câu tiếng Việt: “Hồ Chí Minh”, “Giải phóng!”. “Sài Gòn!”, “Chúc mừng!”. Đêm hôm đó, các cán bộ Đại sứ quán Cu Ba ở đường Lý Thường Kiệt nhảy múa ca hát suốt đêm, để mừng Việt Nam, mừng Sài Gòn.

Mấy ngày sau đó, chúng tôi nhận được tờ báo Sài Gòn giải phóng- tiếng nói của nhân dân Sài Gòn- Gia Định xuất bản số đầu tiên từ Sài Gòn gửi ra bằng máy bay! Tờ báo lịch sử in giữa lòng Sài Gòn giải phóng ấy đến với chúng tôi vào lúc bảy giờ rưỡi tối. Mọi người nâng niu chuyền nhau. Chao ơi! Ảnh Bác Hồ mỉm cười phóng lớn một phần tư trang báo được viền bằng hoa văn đỏ. Những con chữ tít lớn cũng đỏ, trang nghiêm mà vui như muốn nhảy ra. Màu đỏ là màu tươi nhất, thắm nhất trong suốt hai trang báo: “Sau 50 ngày đêm tiến công và nổi dậy liên tục, sáng ngày 1- 5- 1975, quân và dân ta hoàn toàn làm chủ toàn bộ lãnh thổ miền Nam Việt Nam; Sài Gòn trong những giờ phút lịch sử!…”. Tòa soạn báo đặt tại 174 đường Hiền Vương và in tại Tân Minh ấn quán, 432 Hồng Thập Tự, Sài Gòn 3.

Sau đó, tờ báo được được đưa lên phòng thư ký tòa soạn và khai thác ngay để ngày mai bạn đọc Hà Nội, bạn đọc toàn miền Bắc cùng chung vui với miền Nam, với Sài Gòn.

Đó là món quà đầu tiên mà chúng tôi nhận được từ Sài Gòn sau giải phóng.

Trần Thanh Phương

Đại Đoàn Kết

Đã đóng bình luận.