Đánh địch phản kích

Ngày 12-3, UBND tỉnh Đắc Lắc do đại tá Y Blốc làm chủ tịch được thành lập. Chính quyền mới thành lập đã tích cực tổ chức cuộc sống cho nhân dân. Các hộ dân khó khăn đã được cấp phát lương thực, nhu yếu phẩm. Các hộ dân được tổ chức đào hầm ngầm hoặc sơ tán tránh ảnh hưởng các trận đánh. Các lực lượng vũ trang chuẩn bị tổ chức đánh địch phản kích.

Xe tăng của bộ đội ta tiến vào giải phóng Buôn Ma Thuột.

Trong ngày, Trung đoàn 198 đặc công và Trung đoàn 148 bộ binh đã truy quét, diệt các vị trí địch còn lại trong thị xã Buôn Ma Thuột. Các Trung đoàn 25, 95B, 174, 149, 66 có xe tăng phối hợp tiêu diệt và bức hàng nhiều cứ điểm địch tại ngoại vi như Buôn Hồ, Chư Pao, Đạt Lý, Châu Nga, Châu Sơn. Tiểu đoàn 219 (Đoàn 559) đánh chiếm Bản Đôn.

Bị tấn công bất ngờ mất Buôn Ma Thuột, địch vội vã điều động quân để phản công, hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột. Sau khi cho hơn 100 lượt máy bay ném bom dọn bãi, địch dùng trực thăng đổ quân xuống Đông Bắc Buôn Ma Thuột. Nhận rõ đây là thời cơ đánh địch ngoài công sự, bộ đội ta chuyển sang đánh quân địch phản kích. Pháo cao xạ bắn rơi một số trực thăng ngụy. Pháo mặt đất bắn vào nơi địch đổ quân.

Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) được xe tăng và pháo binh hỗ trợ đã liên tục bám đánh và tiêu diệt địch. Kết quả, Trung đoàn 24 đã đánh bại hai tiểu đoàn 1 và 2 (Trung đoàn 45 ngụy) và một tiểu đoàn bảo an, chiếm điểm cao 581, giải phóng một đoạn đường số 21 dài 12km. Trận chiến đánh địch phản kích đến hết ngày 12-3 vẫn chưa chấm dứt.

Vào thời điểm này, đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi điện từ Hà Nội vào truyền đạt ý kiến của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương: Dự kiến lực lượng địch còn lại ở Tây Nguyên sẽ co cụm lại ở Pleiku và có thể rút lui bỏ Tây Nguyên. Do đó cần bao vây ngay Pleiku, triệt cả đường bộ lẫn đường không, chuẩn bị tiêu diệt địch. Như vậy, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã sớm dự kiến một cuộc rút lui của địch ở Tây Nguyên.

Q.A. tổng hợp

SGGP Online

Đã đóng bình luận.